An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiện đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Tại tỉnh ta, từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại xã Hải Phong (Hải Hậu) và xã Trung Thành (Vụ Bản) với hàng chục người mỗi vụ và nhiều trường hợp ngộ độc đơn lẻ ở một số địa phương trong tỉnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ATVSTP như thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, khâu chế biến mất vệ sinh…; đặc biệt là việc chế biến gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ không bảo đảm VSATTP .
Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để bảo đảm ATVSTP. (Ảnh chụp tại chợ Diên Hồng, TP Nam Định). |
Theo thống kê của Chi cục Thú y (Sở NN và PTNT), toàn tỉnh hiện có 2.004 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 3 cơ sở giết mổ tập trung, có quy mô lớn là Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định, Cty TNHH Trường Huy và Cty TNHH Công Danh (Hải Hậu), được áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, tuân thủ các quy định của pháp luật nên bảo đảm ATVSTP. Trong số 2.001 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, có 67 cơ sở giết mổ trâu, bò, dê, 1.661 cơ sở giết mổ lợn và hơn 270 cơ sở giết mổ gia cầm; bình quân mỗi ngày mỗi cơ sở giết mổ gia súc mổ từ 1-3 con lợn, cơ sở giết mổ gia cầm mổ từ 10-50 con gà, vịt. Qua tìm hiểu tại một số cơ sở giết mổ quy mô gia đình trên địa bàn tỉnh cho thấy: Tại Thành phố Nam Định, các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nền tuy được láng xi măng, dùng nước giếng khoan hoặc nước máy nhưng không bảo đảm vệ sinh bởi không gian chật chội, nhiều nơi điểm giết mổ ở ngay sát rãnh nước thải. Còn tại khu vực nông thôn, các lò giết mổ của các hộ gia đình được bố trí trong khu vực công trình phụ, nước thải lênh láng, sàn, bục xi măng bám đầy mỡ, chất thải của gia súc, gia cầm không được tẩy rửa thường xuyên, là nơi trú ngụ của các loại ruồi, muỗi. Cùng với tình trạng vệ sinh không bảo đảm, người làm nghề giết mổ hầu hết không được tập huấn kiến thức về các quy trình giết mổ, quy trình thực hiện vệ sinh thú y, VSATTP và không được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Một số nơi, gia súc, gia cầm bị bệnh, bị chết nhưng vì lợi nhuận người giết mổ vẫn mua, chế biến để bán cho người tiêu dùng...
Để bảo vệ sức khỏe nhân dân, hằng năm UBND tỉnh đều ban hành chỉ thị, kế hoạch hành động nâng cao chất lượng VSATTP. Các ngành chức năng cũng thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra các cơ sở giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật. Chi cục Thú y xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra vệ sinh thú y; tổ chức cho các hộ ký cam kết không giết mổ gia súc, gia cầm ốm, chết và gia súc, gia cầm từ vùng dịch khi có dịch. Tuy nhiên, nhiều nơi, chính quyền cơ sở không quan tâm việc quản lý các cơ sở giết mổ cộng với lực lượng thú y mỏng, việc phối hợp giữa các ban, ngành chức năng với cơ quan thú y chưa chặt chẽ nên công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm gần như bị bỏ ngỏ.
Trong xu thế phát triển chăn nuôi hàng hóa hiện nay, việc quy hoạch và quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã và đang đặt ra vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, các địa phương để bảo đảm VSATTP. Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, các quy định về VSATTP của các chủ cơ sở giết mổ, các ngành chức năng cần tham mưu với chính quyền địa phương sớm thực hiện quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trước mắt, đầu tư xây dựng một số mô hình điểm, có chính sách ưu đãi và hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành thú y làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh y tế, bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng; có cơ chế hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi bị dịch bệnh, tăng cường kiểm soát việc lưu thông động vật và sản phẩm động vật đã giết mổ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương