Từ những năm trước, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đã được tỉnh ta xác định là ngành công nghiệp có thế mạnh, giàu tiềm năng, cần được ưu tiên phát triển do có nguồn sét nguyên liệu chất lượng tốt, phân bố tương đối đồng đều ở khắp các vùng, điều kiện khai thác, vận chuyển thuận tiện với tổng trữ lượng trên 30 triệu tấn. Ngoài các mỏ sét, dọc theo triền các sông lớn như: sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ… còn một trữ lượng lớn sét sa bồi hàng năm bồi đắp. Với những lợi thế đó, trong giai đoạn 2001-2010, công nghiệp sản xuất VLXD (chủ yếu là gạch nung) ở tỉnh ta đã có bước phát triển nhanh với 25 dây chuyền lò tuynel với tổng công suất thiết kế trên 250 triệu viên/năm và 7 dây chuyền lò đứng nung liên tục công suất thiết kế 3,5-4 triệu viên/dây chuyền/năm. Đến năm 2010, tổng sản lượng VLXD của các dây chuyền lò tuynel và lò đứng nung liên tục đã đạt gần 700 triệu viên, không những đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tỉnh mà còn cung ứng sang các tỉnh bạn như: Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình… Sản xuất VLXD đã từng bước phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công nghiệp sản xuất VLXD của tỉnh ta vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Theo khảo sát mới nhất của Sở Xây dựng, đến nay toàn tỉnh vẫn tồn tại gần 800 lò gạch thủ công sản xuất theo phương pháp truyền thống, trong đó có 284 lò gạch thủ công có vỏ kiên cố và gần 500 lò gạch dã chiến (không vỏ) sản xuất theo mùa vụ. Ngoài yếu tố tích cực là góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, thu nhập cho lao động tại địa phương, các lò gạch thủ công với công nghệ sản xuất lạc hậu này đã để lại nhiều “hệ lụy” như: ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên bừa bãi, thất thu thuế…, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Nghiêm trọng hơn, do không chủ động được nguồn nguyên liệu, nhiều lò gạch thủ công đã khai thác đất ngay trong hành lang an toàn bảo vệ đê hoặc hạ cốt đất nông nghiệp để sản xuất. Bên cạnh đó, việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm cũng làm nhiều đoạn thân đê, mặt đê xung yếu xuống cấp, gây mất an toàn trong mùa mưa bão.
Lò gạch thủ công tại xã Trực Đại (Trực Ninh). |
Để ngành công nghiệp sản xuất VLXD phát triển bền vững, ngày 22-3-2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Bổ sung quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nam Định đến năm 2020” theo hướng phát triển nhanh, bền vững, sát với thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế, tạo sự ổn định xã hội, bảo vệ môi trường. Chủ trương là: Không phát triển sản xuất dàn trải tất cả các chủng loại VLXD mà tập trung vào các chủng loại trên cơ sở khai thác hiệu quả thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, thị trường và nguồn nhân lực trong tỉnh. Đồng thời không ngừng nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh. Ưu tiên đầu tư phát triển các doanh nghiệp sản xuất VLXD có quy mô vừa và nhỏ, công suất hợp lý, sử dụng công nghệ sạch, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu, sản phẩm đạt chất lượng và đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp. Mục tiêu cụ thể là: Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên sét, cát đen… để phát triển các sản phẩm: gạch xây, cát đen…, trở thành sản phẩm mũi nhọn, đủ sức phục vụ nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng các sản phẩm gạch không nung để thay thế dần gạch đất sét nung, phấn đấu sản lượng đạt 20% (khoảng 225 triệu viên) vào năm 2015, 30% (khoảng 469 triệu viên) vào năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu đó, lộ trình phát triển công nghiệp sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn từ 2010-2015, đối với sản phẩm gạch sét nung sẽ đầu tư xây dựng thêm 5 dây chuyền công nghệ lò tuynel công suất thiết kế bình quân 20 triệu viên/năm/dây chuyền. Thay thế các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả sản xuất thấp bằng 5 dây chuyền công nghệ lò đứng nung liên tục có 2 thân lò, công suất 2,5 triệu viên/dây chuyền. Đến năm 2015 tổng sản lượng của 5 dây chuyền công nghệ lò đứng nung liên tục mới đầu tư và 7 dây chuyền hiện có đạt 35 triệu viên/năm, phấn đấu mỗi huyện xóa bỏ 20 lò gạch thủ công, toàn tỉnh xóa bỏ 180 lò gạch thủ công. Đối với sản phẩm gạch xây không nung: Đầu tư mở rộng, nâng công suất 2 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu của các Cty TNHH: Hòa Phát (CCN An Xá), Hưng Hạnh (TP Nam Định) lên 20 triệu viên/năm/dây chuyền. Mỗi huyện đầu tư xây dựng mới một dây chuyền với công suất 10 triệu viên/năm. Tại CCN của các huyện Hải Hậu, Trực Ninh mỗi huyện đầu tư xây dựng mới một dây chuyền sản xuất gạch bê tông từ khí chưng áp (AAC) công suất 45 triệu viên/năm. Để tận dụng tối đa phế thải công nghiệp của các nhà máy gạch tuynel hoạt động ổn định trước năm 2010, mỗi nhà máy đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất gạch không nung từ phế thải công nghiệp khi sản xuất gạch tuynel với công suất 1 triệu viên/dây chuyền/năm. Từ năm 2015 đến năm 2020, sẽ đầu tư xây dựng thêm 15 dây chuyền công nghệ lò tuynel công suất mỗi dây chuyền 20 triệu viên/năm. Bình quân mỗi năm sẽ đưa 3 dây chuyền lò tuynel vào hoạt động, trong đó 2 dây chuyền để từng bước thay thế lò thủ công, 1 dây chuyền để duy trì sản lượng cung ứng cho thị trường. Trong giai đoạn này ưu tiên đầu tư lò tuynel mới tại các xã, huyện có sản lượng gạch nung vượt trội, nguồn nguyên liệu dồi dào và sử dụng nhiều lao động. Đồng thời với các dây chuyền lò tuynel mới, mỗi huyện đầu tư xây dựng 3 dây chuyền lò đứng nung liên tục cải tiến, mỗi cụm có 4 thân lò, công suất 4,5 triệu viên/dây chuyền/năm để thay thế các lò thủ công truyền thống. Đến năm 2020 toàn tỉnh xóa bỏ hoàn toàn tình trạng sản xuất gạch nung bằng phương pháp thủ công truyền thống. Đối với sản phẩm gạch không nung, trong giai đoạn này sẽ đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại đối với 2 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu trên địa bàn Thành phố Nam Định để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm (phát triển thêm các sản phẩm gạch lát, tấm lợp… không nung). Nâng công suất dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu tại CCN các huyện lên 20 triệu viên/năm. Tiếp tục đầu tư chiều sâu đối với 2 dây chuyền sản xuất gạch bê tông từ khí chưng áp đã hoạt động tại CCN các huyện Hải Hậu, Trực Ninh để đa dạng hóa chủng loại, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động 1 dây chuyền sản xuất gạch bê tông bọt tại CCN An Xá (TP Nam Định) với công suất 45 triệu viên/năm và phấn đấu mỗi lò tuynel có 1 dây chuyền sản xuất gạch không nung công suất từ 1 triệu viên/năm trở lên sử dụng nguồn phế thải công nghiệp khi sản xuất gạch tuynel.
Với quy hoạch và định hướng phát triển đó, đến năm 2020, ngành công nghiệp sản xuất VLXD của tỉnh ta phấn đấu đạt sản lượng 1.988 triệu viên gạch nung; 660 triệu viên gạch không nung; trên 11,7 triệu m2 vật liệu lợp và 3,9 triệu m2 vật liệu lát; 60 nghìn m3 bê tông thương phẩm; tổng giá trị sản xuất VLXD đạt xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 28 nghìn lao động./.