Những điển hình nông dân làm kinh tế giỏi ở Bạch Long

09:09, 09/09/2011

Trang trại nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Hoạch, ở xóm 2 xã Bạch Long (Giao Thuỷ) có diện tích gần 3ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp - bán công nghiệp, mỗi năm cho thu nhập 650-700 triệu đồng. Ông Hoạch nhớ lại: Năm 2000, ông được đi tham quan một số mô hình nuôi thủy sản ở miền Nam trong khuôn khổ của Dự án nuôi tôm Thái Lan; nhận thấy nhiều người nuôi tôm với quy mô rất lớn và đã thành công, ông quyết tâm làm. Sau hơn 10 năm đầu tư đến nay trang trại nuôi tôm của ông Hoạch đã được xây dựng với quy mô 3ha, gồm 4 hồ nuôi tôm và hệ thống đường bê tông ra hồ, đường ống nước ra biển, đường điện, hệ thống tạo ôxi, máy phát điện dự phòng. Một năm thả nuôi 2 vụ, sản lượng thu được 10 tấn/ha. Tôm nuôi đảm bảo chất lượng, không bị bệnh do đã áp dụng quy trình xử lý môi trường nước theo công nghệ mới của Cty thức ăn CP. Các chất thải được hệ thống quạt nước tạo lực ly tâm tập trung và đều được rút thải hằng ngày, đảm bảo vệ sinh hồ nuôi. Từ năm 2010 đến nay, ông đã thành công trong việc nuôi tôm trái vụ. Ông Hoạch chia sẻ, để nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp - bán công nghiệp thành công, người nuôi tôm cần áp dụng tốt quy trình kỹ thuật, từ khâu cải tạo ao nuôi, chọn con giống sạch bệnh thông qua xét nghiệm PCR đến việc chăm sóc tôm nuôi theo từng giai đoạn phát triển, quản lý và theo dõi chất lượng nước trong ao nuôi… Bờ phải được bao bằng bạt hay vải không thấm nước để ngăn nước phèn thấm vào ao và ngăn lở bờ gây ô nhiễm. Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm ở Bạch Long tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả cao.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình anh Nguyễn Đức Trung, thôn Trung Đường, xã Bạch Long (Giao Thủy).
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình anh Nguyễn Đức Trung,
thôn Trung Đường, xã Bạch Long (Giao Thủy).

Chúng tôi đến cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của chị Trần Thị Thoa, chi HND xóm Thành Tiến, xã Bạch Long đang lúc hàng chục lao động đến nhận nguyên liệu bẹ chuối mang về nhà làm. Chị Thoa, chủ cơ sở cho biết: Một lần tới thăm bạn, bắt gặp một nhóm người đang hì hụi đan những chiếc khay xinh xắn bằng bẹ cói, tôi nghĩ ngay tới việc học nghề này. Có nghề, chị nhận làm hàng cho các Cty trong tỉnh và truyền nghề cho chị em trong xã. Hiện nay, cơ sở đang tạo việc làm cho 70-80 lao động, với mức thu nhập 600-800 nghìn đồng/người/tháng. Sản phẩm của cơ sở gồm va-ly, hộp ô van... được làm từ cói, bẹ chuối, bèo tây... Nguyên liệu rẻ và dễ kiếm, sản phẩm lại bền đẹp nên được khách hàng ở Nhật Bản và các nước châu Âu rất ưa chuộng. 

Những năm qua, hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, HND xã Bạch Long đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển kinh tế hộ, HND xã đã phối hợp với các ngành, đoàn thể trong xã tổ chức 22 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức 3 buổi tham quan mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương. Qua đó, các hội viên đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với nhiều mô hình hiệu quả như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, mô hình nuôi cá vược, cá lóc bông; các cơ sở may công nghiệp, đan bẹ chuối, bèo tây xuất khẩu… Đến nay, toàn xã có 109ha nuôi thủy sản theo hướng bán công nghiệp, nhiều hộ phát triển nuôi thuỷ sản đạt giá trị kinh tế cao với tổng thu nhập từ nuôi thuỷ sản đạt 20 tỷ đồng/năm. Các ngành nghề thủ công mỹ nghệ tiếp tục phát triển. Hiện nay, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi đạt giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/hộ/năm, nhiều cánh đồng thu nhập 120-150 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nông dân. Để tạo thuận lợi cho các hội viên nông dân phát triển kinh tế, HND xã đã đứng ra làm “cầu nối” với các ngân hàng cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Các hội viên nông dân tin tưởng vào tổ chức Hội, tích cực sản xuất, chuyển đổi, mở rộng ngành nghề, phát triển chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Vũ Hoàng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com