Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Liên Minh (Vụ Bản) đã khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất của làng nghề tre nứa ghép, sơn mài. Vào thời điểm ấy, làng nghề đang gặp khó khăn, các hộ sản xuất hoạt động cầm chừng, mất dần thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh thu, nhân công giảm sút. Toàn xã chỉ còn 2 Cty TNHH Hùng Quang và TNHH Thịnh Cường bao tiêu sản phẩm, duy trì hoạt động sản xuất. Số lượng nhân công của 2 Cty chưa đến 100 người, thu nhập của người lao động bình quân chỉ đạt 1 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó thời kỳ phát triển, tiêu biểu là năm 2009, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đã đạt 16,2 tỷ đồng, chiếm 17,6% cơ cấu kinh tế. Nguyên nhân do ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu khiến sức tiêu dùng, nhất là sức tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm mây tre đan của các nước giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; giá cả các loại nguyên vật liệu liên tục tăng cao, không bảo đảm được mức giá vào thời điểm ký kết dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị thua lỗ...
Sản xuất sản phẩm tre nứa ghép xuất khẩu ở hộ gia đình thuộc Cty TNHH Thịnh Cường, xã Liên Minh (Vụ Bản). |
Trước thực trạng đó, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn như: Vận động những đơn vị đang trụ vững trong nghề chủ động khắc phục khó khăn bằng biện pháp cùng liên kết để ổn định sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm xuất bán ra thị trường, từng bước khôi phục lại uy tín, vị thế của làng nghề. Xã tạo cơ chế thông thoáng trong thực hiện các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu, đồng thời nỗ lực tiếp cận, kêu gọi nguồn kinh phí hỗ trợ từ nhiều ngành chức năng để đào tạo, nâng cao tay nghề cho người thợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và tham gia vào các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu… Những hỗ trợ tích cực của Đảng uỷ, UBND xã cùng với 2 Cty trong việc đảm bảo chất lượng cho sản phẩm đã giữ vững được các đơn hàng xuất khẩu. Ông Vũ Đình Khiên, giám đốc Cty TNHH Thịnh Cường, thôn Ngõ Trang cho biết: “Thời gian qua, để duy trì hoạt động, 2 Cty đã liên kết chặt chẽ với nhau thực hiện các đơn đặt hàng lớn, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kiểu dáng sản phẩm và chung sức tìm kiếm các đối tác mới. Nhờ đó, mặc dù quy mô sản xuất của cả hai đơn vị đã bị thu nhỏ lại nhưng vẫn đủ năng lực làm các đơn hàng xuất khẩu bảo đảm thời gian giao hàng đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm đã ký kết”. Nhận định về khả năng giữ vững uy tín và phát triển trên thị trường, ông Khiên cho rằng, nghề tre nứa ghép, sơn mài hiện nay vẫn giữ vững được thương hiệu và có cơ hội tiếp tục phát triển mạnh. Để tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, hiện nay xã đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất trong đó có bố trí quỹ đất xây dựng CCN với diện tích 4,8ha để các doanh nghiệp sản xuất tập trung, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và xử lý các vấn đề về môi trường. Xã đang đẩy mạnh việc xây dựng các công trình phụ trợ, phục vụ cho sản xuất CN-TTCN như: đường giao thông, chợ, các công trình điện, nước…; kêu gọi các doanh nghiệp, các đơn vị trong và ngoài tỉnh có tiềm lực về kinh tế đầu tư phát triển ngành nghề CN-TTCN. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề để có lực lượng lao động đủ trình độ tham gia làm việc tại KCN Bảo Minh, khi KCN đi vào hoạt động. Toàn xã phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm 30% cơ cấu kinh tế, trong đó giá trị từ TTCN đạt 10 tỷ đồng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý