Về Yên Phú (Ý Yên), chúng tôi cảm nhận được bộ mặt nông thôn đang đổi mới. Đường liên thôn được mở rộng, thảm bê tông mặt 6m; đường làng, ngõ xóm đều rộng 2-3m được đổ bê tông đến cổng từng gia đình. Nghĩa trang liệt sỹ xã được xây, sửa khang trang, uy nghi. Cả 3 khu trường từ mầm non đến THCS của xã đều cao tầng hóa và xây thêm các đơn nguyên thứ 2: Khu trường mầm non 10 phòng học đang chuẩn bị khánh thành, đưa vào sử dụng; đơn nguyên 2 trường tiểu học đã hoàn thiện với 6 phòng học rộng, thoáng vừa đưa vào sử dụng kịp dịp khai trường năm học 2011-2012; đơn nguyên 2 trường THCS với 8 phòng học đã xong tầng 1, đang xây tiếp tầng 2 và xã còn quyết định xây dựng tiếp 4 phòng cao tầng trong thời gian tới. Ngoài ra, 2 tuyến đường ra đồng của thôn Trại Giáo, thôn Quyết Thắng Tây cũng được mở rộng mặt 5m, đổ bê tông cho xe cơ giới, máy cày, máy bừa, máy gặt đập liên hợp… lưu thông thuận tiện, 2 bên đường là mương tưới cũng được kiên cố hóa. Đồng chí Nguyễn Duy Thông, Chủ tịch UBND xã, trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới (NTM) cho biết: “Yên Phú là vùng chiêm trũng được huyện, tỉnh chọn làm mô hình xây dựng NTM nên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã quyết tâm thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM vào năm 2013. Phương châm của Đảng bộ và nhân dân trong xã là: Xây dựng nông thôn mới, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong xã tự nguyện đóng góp và hưởng lợi”.
Đường giao thông liên thôn ở xã Yên Phú (Ý Yên). |
Yên Phú là vùng “rốn nước” của huyện, diện tích đất canh tác thấp, bình quân 1 sào/người. Do điều kiện tự nhiên và giao thông không thuận tiện nên đời sống nhân dân trong xã chủ yếu dựa vào nghề nông, thu nhập thấp, đời sống khó khăn, cơ sở hạ tầng ít được đầu tư, nâng cấp. Khi được chọn là một trong 10 xã điểm của tỉnh xây dựng mô hình NTM, vấn đề khó khăn nhất của xã là kinh phí. Trong các cuộc họp Đảng ủy xã và cuộc họp các đoàn thể, ngoài quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp về xây dựng NTM, việc huy động vốn được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai. Cơ chế huy động vốn của Yên Phú được xác định đa dạng hóa các hình thức huy động. Xã huy động nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, bằng ngày công lao động, vật liệu theo quy chế dân chủ. Với quan điểm công trình phục vụ cho đối tượng nào thì huy động sự đóng góp của đối tượng đó; tận dụng tối đa các nguồn vốn, đặc biệt là sự đóng góp của con em Yên Phú đang đi làm ăn ở mọi miền Tổ quốc về xây dựng quê hương, đồng thời, phân cấp rõ công trình của cấp nào thì cấp đó làm để mọi người cùng chủ động. Các công trình xây dựng đường giao thông liên thôn, trường học, trạm xá, các công trình phúc lợi công cộng khác do UBND xã xây dựng đề án để các thôn thảo luận, khi thống nhất HĐND xã ra nghị quyết thực hiện mức đóng góp mỗi khẩu 50 nghìn đồng/năm. Các công trình giao thông, thủy lợi UBND xã, HTX và các thôn huy động vốn theo diện tích hưởng lợi cộng với vốn hỗ trợ của các dự án và công lao động của nông dân. Vốn để xây dựng nhà văn hóa thôn do chi bộ lãnh đạo, trưởng thôn xây dựng đề án đóng góp của nhân dân trong thôn; vốn làm đường dong ngõ do các hộ đóng góp kinh phí, vật liệu xây dựng và công lao động. Từng gia đình tự tu sửa nhà cửa, vườn, ao, công trình vệ sinh theo hướng sạch sẽ, văn minh. Chính sự bàn bạc dân chủ, công khai về vốn và các nguồn thu nên chỉ trong hơn 1 năm xây dựng NTM, Yên Phú đã huy động được gần 1,4 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, nếu cộng cả số tiền và công làm dong ngõ thì số vốn huy động đạt trên 2,5 tỷ đồng. Riêng 2 thôn Trại Giáo và Quyết Thắng Tây đã đi đầu xây dựng đường ra đồng dài gần 1km, rộng 5m, trong đó 3m mặt đường được đổ bê tông đã huy động được trên 300 triệu đồng và hoàn thành ngay trong quý I-2011. Ngoài sự đóng góp theo diện tích hưởng lợi, hàng chục gia đình đã tự nguyện ủng hộ thêm ngoài mức huy động đóng góp. Việc giải quyết nhà ở cho hộ nghèo, ngoài hỗ trợ của Nhà nước, xã huy động dòng họ, các ngành, đoàn thể và ngày công của nhân dân trong xã, nhờ đó, 31 ngôi nhà cho hộ nghèo đã xây dựng xong, trị giá bình quân mỗi ngôi nhà 25 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn kinh phí huy động của con em Yên Phú đang làm ăn xa quê được coi là một kênh quan trọng. Thông qua hội đồng hương ở các tỉnh, thành phố, các gia đình, dòng họ…, UBND xã tổ chức họp mặt đầu xuân đối với những người con đi làm ăn xa về đoàn tụ với gia đình để kêu gọi sự đóng góp xây dựng. Khi tổ chức xây dựng các công trình lớn của xã, của thôn, lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn bằng nhiều biện pháp thông tin để vận động đóng góp. Số tiền huy động từ kênh này được trên 2 tỷ đồng, trong đó nhiều cá nhân ủng hộ 30-50 triệu đồng.
Cùng với việc tích cực huy động mọi nguồn vốn đóng góp xây dựng NTM, xã Yên Phú còn phân kỳ đầu tư xây dựng từng hạng mục công trình theo phương châm: Việc nào cần thì làm trước, công trình nào phục vụ cho số đông người thì ưu tiên… Đầu tiên là đầu tư xây dựng trường học cao tầng của xã ở cả 3 cấp: mầm non, tiểu học và THCS; tiếp đến là xây dựng đường giao thông nông thôn. Đến nay, đường liên thôn còn 3km đang tiếp tục đổ bê tông với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Khi thi công đường liên thôn UBND xã tổ chức “bê tông hóa” mặt 4m còn 2m (2 bên đường) huy động các đối tượng hưởng lợi đóng góp thêm đảm bảo chất lượng độ dày kỹ thuật nên mặt bê tông đạt 6m, rất thuận tiện và an toàn cho các phương tiện cơ giới tham gia giao thông. 22km đường dong ngõ dọc từng hộ, nhóm hộ tổ chức bê tông hóa rộng 2-3m đến nay đã hoàn thành trị giá trên 1 tỷ đồng. 2 nhà văn hóa của 2 xóm được đầu tư 500 triệu đồng đã đưa vào sử dụng. Điểm thu gom xử lý rác thải được đầu tư trên 400 triệu đồng... Thời gian tới, xã Yên Phú tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp đã được hoạch định theo đề án xây dựng NTM được huyện phê duyệt, phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM vào năm 2013, theo đúng quy định.
Tích cực huy động vốn, cùng với phân kỳ đầu tư xây dựng hợp lý và thực hiện dân chủ, công khai là bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM ở Yên Phú./.