Hiệu quả của chương trình phát triển sinh kế bền vững

09:09, 19/09/2011

Trong điều kiện biến đổi khí hậu như: nhiệt độ tăng, nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan làm suy giảm đa dạng sinh học đã gây nhiều tác động không tốt đối với con người. Để hỗ trợ cộng đồng địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng khả năng phục hồi các hệ sinh thái, từ nhiều năm qua Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã hỗ trợ tỉnh ta triển khai hiệu quả nhiều mô hình cộng đồng ứng phó với BĐKH theo phương thức phát triển sinh kế bền vững. Từ năm 2004, MCD đã hỗ trợ các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thuỷ xây dựng mô hình quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng. Mô hình đã thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực và xây dựng kế hoạch quản lý thích ứng liên tỉnh nhằm bảo vệ các hệ sinh thái ven biển và phát triển sinh kế tại khu vực, từng bước giúp người dân hiểu được giá trị nguyên bản và những tác động tiêu cực gây ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Xuân Thủy... Bên cạnh đó, mô hình còn cung cấp cho chính quyền và nhân dân địa phương các biện pháp tái tạo nguồn lợi theo hướng quản lý và kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Với sự hỗ trợ tích cực của MCD, huyện Giao Thủy đã nỗ lực huy động sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh xây dựng được 4 tuyến du lịch gồm: Tuyến du thuyền cửa sông, tuyến xem chim, tuyến điền dã và tuyến du khảo đồng quê tới 5 xã vùng đệm gồm Giao Hải, Giao Xuân, Giao An, Giao Thiện và Giao Lạc. Với lợi thế là một trong những xã thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là cửa ngõ để bước vào Vườn quốc gia Xuân Thủy, từ năm 2006 xã Giao Xuân đã được MCD triển khai xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Dự án hỗ trợ các hộ dân tham gia chương trình vay vốn không lấy lãi để sửa chữa nhà ở, mua sắm tiện nghi phục vụ nhu cầu ăn nghỉ qua đêm của khách du lịch; trang bị một số xe đạp; tập huấn các kỹ năng hướng dẫn du lịch; biểu diễn văn nghệ cộng đồng; phương pháp tổ chức nhà bếp, chế biến các món ăn ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức đón và phục vụ du khách lưu trú tại gia…; mở các lớp đào tạo tiếng Anh, tin học, sử dụng mạng Internet cho đội ngũ những người trực tiếp làm du lịch. Việc tham gia “3 cùng” của du khách: cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân mang đậm nét “chân quê” mang lại cho khách trong và ngoài nước nhiều cảm xúc, ấn tượng khó phai về một vùng quê ven biển. Từ khi triển khai mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đến nay, xã Giao Xuân đã đón trên 2.000 lượt khách tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu; trong đó có 50% khách quốc tế. Hiện mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần giải quyết việc làm cho 20 hộ dân tham gia lao động trực tiếp và 100 người lao động gián tiếp. Đặc biệt MCD đã hỗ trợ xã Giao Xuân xây dựng thành công mô hình nuôi ngao bền vững. Ông Nguyễn Văn Cửu, đại diện tổ hợp tác nuôi ngao bền vững Giao Xuân cho biết: “Được sự hỗ trợ của MCD, ngày 26-2-2009 tổ hợp tác nuôi ngao bền vững được thành lập, xây dựng được quy chế hoạt động chung và có hợp đồng giao kết. Tổ hợp tác ra đời nhằm tập hợp trí tuệ của nhiều người, cùng thống nhất và cùng thực hiện, sắp xếp lại sản xuất, luôn theo sát kiểm tra các yếu tố môi trường”. Với diện tích nuôi thả mỗi vây ương nuôi tối thiểu là 0,5ha trở lên, khoảng cách giữa các vây lấy lối đi là 2m, đường đi chính là 4m, xung quanh xẻ lạch rộng 15m tạo môi trường thông thoáng làm lưu thông dòng chảy để thức ăn được vận chuyển dễ dàng và dành lại một phần đất phục vụ khai thác tự nhiên tạo điều kiện cho các đối tượng khác phát triển, nhằm đa dạng các đối tượng nuôi, tạo cân bằng sinh thái môi trường. Kết quả qua 2 năm 2009-2010 cho thấy, mô hình nuôi ngao của tổ hợp tác nuôi ngao bền vững với diện tích 4ha đều cho tăng trưởng nhanh hơn các hộ nuôi khác từ 2 đến 3 lần và có khả năng chống chịu được những tác động của môi trường do BĐKH gây ra. Bên cạnh thành công của mô hình nuôi ngao bền vững, MCD còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu “ngao Giao Thủy” và hoạt động của Hiệp hội nhuyễn thể Giao Thủy với 200 thành viên. Hiện thương hiệu “ngao Giao Thủy” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn, xuất xứ hàng hóa và mở website để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm ngao ở huyện Giao Thủy đã được EU công nhận là thực phẩm an toàn cấp B liên tục trong nhiều năm nay.

Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động phát triển sinh kế bền vững do Sở TN và MT phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng tổ chức.
Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động phát triển sinh kế bền vững do Sở TN và MT phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng tổ chức.

Từ năm 2007 đến nay, MCD còn hỗ trợ và xây dựng thành công các mô hình đa dạng sinh kế thân thiện với môi trường nhằm tăng khả năng phục hồi của cộng đồng trước tác động của BĐKH. Ngoài những sinh kế truyền thống, người dân địa phương được giới thiệu và hỗ trợ triển khai nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả như CLB sinh kế thân thiện môi trường Giao Xuân, nuôi giun quế, cải tạo vườn tạp kết hợp ủ phân hữu cơ; CLB sản xuất nấm Giao Thiện. Ngoài ra, các hộ dân còn được trang bị kỹ năng kinh doanh, kết nối thị trường, phát triển sản phẩm, bảo đảm khả năng tự sản xuất, kinh doanh. Trong tháng 6-2011, MCD phối hợp với Phòng Biển (Sở TN và MT) và Ban quản lý HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng - Ecolife Café về BĐKH tại xã Giao Xuân. Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động như một nhóm trong hệ thống du lịch sinh thái cộng đồng với góc BĐKH, góc Internet, có wifi miễn phí cho mọi người cập nhật thông tin về ứng phó với BĐKH và các cách thức làm ăn mới nhằm nâng cao nhận thức và đời sống tinh thần cho cộng đồng... Những mô hình phát triển sinh kế bền vững kể trên đã thu hút được sự chung tay ứng phó với BĐKH của các cấp chính quyền địa phương và nhiều người dân, đồng thời tạo ra nhu cầu thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Hiện MCD đang tiếp tục phối hợp với Phòng Biển (Sở TN và MT) tổ chức thực hiện dự án: “Nâng cao sức đề kháng và khả năng phục hồi trước BĐKH của khu dự trữ sinh quyển biển, ven biển ở Việt Nam thông qua quản lý tài nguyên và phát triển bền vững sinh kế cộng đồng”, tại huyện Giao Thủy, trong đó xã điểm là xã Giao Xuân và các xã vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Mục tiêu của dự án là đến cuối năm 2013, cộng đồng và các bên liên quan ở trong tỉnh được tăng cường kiến thức và năng lực về ứng phó BĐKH; quy phạm thực hành tốt quản lý tài nguyên biển, phát triển sinh kế lồng ghép biện pháp ứng phó BĐKH được xây dựng và áp dụng cho Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và được kết nối với xây dựng chính sách phát triển về quản lý tài nguyên và ứng phó BĐKH tại Việt Nam. Các hoạt động chính của dự án gồm: Truyền thông nâng cao kiến thức về BĐKH và nước biển dâng cho cán bộ các sở, ban, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư tỉnh. Phát triển lối sống thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí nhà kính phát thải. Khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải. Nghiên cứu tác động của BĐKH đến nhu cầu chuyển đổi, đào tạo nghề, đánh giá các sinh kế hiện có tại địa phương. Hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho hộ nghèo thuộc các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng nặng bởi BĐKH và nước biển dâng tại các xã ven biển. Xây dựng kế hoạch quản lý tài nguyên mang tính thích ứng cho Khu dự trữ sinh quyển; xây dựng năng lực địa phương thực hiện kế hoạch quản lý tài nguyên  Khu  dự trữ sinh quyển./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com