Các địa phương tập trung chăm bón, bảo vệ lúa mùa

07:09, 05/09/2011

Vụ mùa 2011, toàn bộ 80.635ha lúa của tỉnh được cấy gọn trong tháng 7-2011; trong đó trà lúa mùa sớm chiếm 3% diện tích, bằng hơn 1/4 so với vụ mùa năm 2010, chủ yếu ở các huyện Ý Yên 1.200ha, Vụ Bản 720ha, Nam Trực 560ha, Xuân Trường 57ha trên chân đất trồng cây màu vụ xuân; trà lúa mùa trung chiếm 91%, trà lúa đặc sản chiếm 6%, bằng 74% so với vụ mùa trước. Tuy nguồn thóc giống ngắn ngày giá cao nhưng tỷ lệ lúa lai vẫn giữ được 22%, gồm các giống lúa: TH3-3, N.ưu 69, VT404, TX111; các giống lúa thuần ngắn ngày chất lượng cao như NĐ1, NĐ5, BC15, TBR45, BT7 chiếm 60% diện tích. Đến cuối tháng 8-2011, diện tích lúa tốt của toàn tỉnh là 69.860ha, bằng 87%; diện tích lúa chưa tốt 945ha, chiếm 1%. Diện tích lúa bị nghẹt rễ chiếm 36ha, rải rác ở cánh đồng của các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, hiện đã được khắc phục. 

Chăm bón lúa mùa ở xã Yên Nhân (Ý Yên).  Bài và ảnh: Tất thắc
Chăm bón lúa mùa ở xã Yên Nhân (Ý Yên).

Vụ lúa mùa 2011, toàn tỉnh có 618ha áp dụng phương pháp gieo sạ hàng, điển hình như thôn Nhuộng, xã Yên Trung (Ý Yên) đạt trên 80% diện tích. Mặc dù cả 2 đợt sạ (ngày 10, 11-7 và ngày 23, 24-7) đều gặp mưa to nhưng nông dân đã áp dụng phương pháp giữ nước tại ruộng và tháo chậm nên toàn bộ diện tích gieo sạ đều không phải gieo lại, công dặm tỉa ít hơn. Đến nay, diện tích lúa gieo sạ tốt vượt trội so với lúa cấy trên cùng cánh đồng. Ở một số vùng chiêm trũng và ruộng không bằng phẳng, nông dân vẫn tổ chức gieo sạ trong vụ mùa. Cũng do thời gian chuyển vụ gấp, nông dân các xã Hải Phong, Hải Châu (Hải Hậu), Nam Mỹ (Nam Trực) đã mạnh dạn áp dụng phương pháp cấy lúa trên ruộng với phương thức làm đất tối thiểu vừa tiết kiệm công làm đất, vừa rút ngắn thời gian đưa cây mạ xuống ruộng cấy. Trên diện tích ruộng làm đất tối thiểu, chỉ trong 10-13 ngày sau khi gặt, phun thuốc diệt trừ cỏ là đã cấy. Hiện nay, hơn 100 mẫu ruộng cấy theo phương pháp làm đất tối thiểu lúa tốt, đẻ nhánh khỏe, tập trung, tránh được bệnh nghẹt rễ…, khả năng cho năng suất không thấp hơn so với làm đất cấy truyền thống. Phương pháp làm đất tối thiểu là 10 nghìn đồng/sào, tiết kiệm gấp 10 lần so với công làm đất truyền thống.

Những phương pháp mới áp dụng trong sản xuất vụ lúa mùa 2011 như: Gieo sạ hàng, cấy lúa trên ruộng làm đất tối thiểu, ngành NN và PTNT đang theo dõi, rút ra những kinh nghiệm, bổ sung vào quy trình thâm canh để nhân rộng trong những năm tới. Qua kiểm tra đồng ruộng của Chi cục Bảo vệ thực vật, vụ mùa này các loại thiên địch như nhện các loại, ong đơn, nấm… gây hại trên sâu bệnh có mật độ cao hơn nhiều so với những năm gần đây nên mặc dù bướm, sâu cuốn lá ra rộ, mật độ lớn nhưng hầu như chưa đến ngưỡng phải phun trừ. Ngành NN và PTNT, nhất là lực lượng bảo vệ thực vật cần xem xét, tìm nguyên nhân để bảo vệ và nhân các loại thiên địch có ích.

Do vụ lúa mùa năm nay cấy muộn hơn so với các vụ mùa trước nên việc chăm sóc, bảo vệ đang được các địa phương chỉ đạo. Hiện tại, diện tích lúa tốt đạt gần 90%, khoảng 3% trà mùa sớm đang phân hóa đòng, còn lại lúa đang thời kỳ đẻ nhánh rộ. Các địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm bón đúng thời gian và liều lượng theo sự hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Trong đó, bón đủ lượng phân kaly để lúa cứng cây, chống đổ, chống bệnh tốt, đồng thời tăng tỷ lệ hạt mẩy trên bông. Hiện nay, lúa đang ở thời kỳ đẻ nhánh rộ, các Cty TNHH Một thành viên KTCTTL và địa phương đảm bảo đủ nước trong ruộng để lúa đẻ nhánh tập trung; khi lúa đẻ đủ số nhánh cần thiết, rút nước lộ ruộng để lúa cứng cây, hạn chế nhánh vô hiệu, tập trung dinh dưỡng cho lúa làm đòng. Cùng với chống hạn cục bộ, các địa phương đề phòng úng, lụt, nhất là mưa lớn cuối vụ. Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đối tượng chính hại lúa mùa năm nay vẫn là sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen… Do cấy muộn, trà lúa mùa sớm chỉ chiếm 3% diện tích nên bệnh đốm sọc vi khuẩn, rầy, sâu đục thân cuối vụ có nguy cơ cao. Chi cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ thực vật các huyện có biện pháp phòng trừ hữu hiệu… Tháng 8-2011 mưa nhiều, khi nắng đạt nhiệt độ cao ngay, bệnh đốm sọc, vi khuẩn sẽ xuất hiện ở trà lúa mùa trung sớm và xuất hiện rải rác ở các huyện phía bắc tỉnh. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh bạc lá cuối vụ làm giảm năng suất. Rầy lứa 5 mật độ trung bình 10-15 con/m2, đây là nguồn tích lũy cho rầy lứa 6, lứa 7 gây hại sau khi lúa trỗ bông. So với các vụ mùa trước, tỷ lệ rầy lưng trắng (đối tượng chính gây, truyền bệnh lùn sọc đen) thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng rầy nâu cao hơn trung bình nhiều năm. Đây là nguyên nhân gây cháy rầy cuối vụ nếu không phòng trừ đúng, kịp thời. Song do thiên địch có mật độ cao nên các địa phương cần quan tâm, nếu chưa đến ngưỡng thì chưa phun thuốc diệt trừ sâu bệnh hại lúa.

Nhận định đúng, kiểm tra thường xuyên, phát hiện và chỉ đạo quyết liệt cả khâu chăm sóc và bảo vệ là biện pháp tích cực để giành năng suất cao trong vụ mùa 2011./.

Bài và ảnh: Tất Thắc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com