Đảm bảo an ninh lương thực trong biến đổi khí hậu: Thiết lập nền nông nghiệp bền vững

08:08, 01/08/2011

Để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp lớn như Việt Nam cần có chiến lược phát triển bền vững để duy trì năng suất cũng như chất lượng các sản phẩm.

Gần 10% diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do nước biển dâng

Theo Bộ NN-PTNT, tình trạng biến đổi khí hậu đã làm thiệt hại 1,3-1,5% GDP cả nước, trong đó nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường tính toán, nếu nước biển dâng 1m, khoảng 1,1 triệu ha trong tổng số 13,8 triệu ha đất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Tác động còn lớn hơn nếu tính thêm yếu tố xâm nhập mặn ở những vùng đất không bị ngập nước biển nhưng nước biển lại "ăn sâu" vào đất liền.

Theo PGS.TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị tác động mạnh nhất với 90% diện tích trồng trọt bị ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng tới đất trồng trọt ở đồng bằng sông Hồng ít hơn song nếu nước biển dâng 1m, vùng này cũng có tới 96.500ha bị ngập lụt.

Kiên Giang là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 3.200km2 trong tổng số hơn 4.300km2 quỹ đất trồng trọt. Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau là ba tỉnh có diện tích trồng trọt bị ảnh hưởng trên 100.000ha. Tại đồng bằng sông Hồng, Nam Định là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất với 42.000km2, chiếm 40% quỹ đất trồng trọt của tỉnh.

Theo dự tính, Hậu Giang sẽ bị thiệt hại khoảng 61,5% sản lượng lương thực khi nước biển dâng 75cm và thiệt hại 81% nếu nước biển dâng 1m. Kiên Giang, Cà Mau sẽ bị thiệt hại trên 70% sản lượng và Bạc Liêu, Sóc Trăng mất khoảng 60%...

Biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng còn tác động mạnh mẽ đến ngành nuôi trồng thủy sản khi diện tích nuôi giảm đáng kể ở vùng nước lợ bị nhiễm mặn, các vùng cửa sông biến dạng khiến đa dạng sinh học giảm, giảm nguồn thức ăn… 

Đê biển Thịnh Long (Hải Hậu) được xây đắp hiện đại để chống chọi với những cơn bão dữ. Ảnh: Internet
Đê biển Thịnh Long (Hải Hậu) được xây đắp hiện đại để chống chọi với những cơn bão dữ.
Ảnh: Internet

Đổi mới toàn diện từ chính sách, quy hoạch đến phương thức canh tác

Để phát triển một nền nông nghiệp bền vững cần có những đổi mới căn bản, toàn diện từ chính sách, quy hoạch đến phương thức canh tác, đặc biệt tại các vựa lúa, vùng nuôi trồng thủy sản lớn. Cần quy hoạch lại vùng trồng lúa, nghiên cứu những giống lúa thích nghi với nắng nóng, khô hạn, ngập mặn, ngập úng, bố trí giống cây trồng cho phù hợp, áp dụng kỹ thuật thích ứng, thích nghi với biến đổi khí hậu. Cũng cần tìm cách phối hợp với các nước trong vùng tạo mối liên kết trong vấn đề chia sẻ, bảo tồn nguồn nước sông Mê Công...

Có thể nghiên cứu các giải pháp công trình như làm đê bao kết hợp hệ thống cống và trạm bơm ở các vùng ven biển để tránh ngập lụt; xây dựng hồ chứa nước ngọt trong các vùng ngập hay bán ngập để trữ nước, tránh tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất; việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp; nghiên cứu, sản xuất, nhân rộng các giống cây con chịu mặn; tăng cường truyền thông và nâng cao năng lực quản lý môi trường... cho cán bộ cơ sở.

Một số giải pháp kỹ thuật dễ thực hiện cũng được nhiều chuyên gia nhắc tới. Đó là tưới tiêu hợp lý, tận dụng nước mưa, giảm bớt quá trình làm đất để bảo vệ đất, sử dụng phương án chắn gió để giảm cạn kiệt chất dinh dưỡng trong đất, kết hợp nông nghiệp và lâm nghiệp, hạn chế sử dụng hóa chất…

Theo: tainguyenmoitruong.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com