Thị trường khách quốc tế gần đang là đối tượng được du lịch Việt Nam nhắm đến, bởi đây là nguồn khách góp phần lớn vào tăng trưởng du lịch.
Thị trường khách quốc tế gần gồm Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan), Đông Nam Á (Thái Lan, Campuchia, Malaysia) luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2011 đã có 2,96 triệu lượt du khách đến Việt Nam, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt gần 663 nghìn lượt, tăng 51,5%; khách Hàn Quốc xấp xỉ 262 nghìn lượt người, tăng 3,7%; Singapore tăng 7,8% khi đạt 86 nghìn lượt người. Đáng chú ý là thị trường mới nổi Hàn Quốc nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 2 trong nhóm 10 thị trường trọng điểm. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với khoảng 300.000 khách đến Việt Nam mỗi năm.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Tăng trưởng nguồn khách gần là do chính sách đầu tư và hướng thị trường của ngành du lịch. Thời gian qua, nhiều điểm đến hút khách Campuchia như Phú Quốc đã gia tăng đầu tư cho sản phẩm, tuyến du lịch, cải thiện thủ tục xuất nhập cảnh... Đối với thị trường khách Trung Quốc, do có sự tăng cường thông tin hai chiều và phương thức hợp tác thuận lợi nên lượng khách từ các thành phố như Thượng Hải, Thẩm Quyến đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, bên cạnh những thời điểm khó khăn do những biến động thì lượng khách khá ổn định và kết hợp từ hệ quả của nhiều yếu tố trong đó có việc mở các đường bay thẳng.
Để tạo đà tăng trưởng nguồn khách quốc tế gần, trong chiến lược phát triển thị trường từ nay đến năm 2030, ngành du lịch đã đặt mục tiêu thu hút các thị trường này là yêu cầu quan trọng hàng đầu, tuy nhiên sẽ có sự thay đổi trong phân đoạn ưu tiên nguồn khách. Đối với thị trường Trung Quốc, ngành du lịch Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút nguồn khách từ các tỉnh, thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, gồm khách trung niên, thương gia có thu nhập trung bình và cao, có nhiều kinh nghiệm du lịch, hiện đại, thích dịch vụ cao, sử dụng mua bán qua mạng, đi tour, đi bằng máy bay… Khách Nhật Bản ưu tiên nguồn khách nữ độc thân, đi du lịch tự tổ chức, thu nhập trung bình cao, thích mua sắm, ẩm thực, cần dịch vụ cá nhân. Khách trung niên thích dịch vụ hạng sang, phục vụ theo phong cách Nhật… Hàn Quốc nhắm đến đối tượng công chức 30-40 tuổi, thu nhập ổn định, thích khám phá, vui chơi giải trí; khách trung niên thích du lịch đô thị, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, du lịch công vụ (MICE). Thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Campuchia, Malaysia) hiện đang có đà tăng trưởng đến Việt Nam. Cùng các chính sách phát triển phù hợp, hợp tác khu vực gia tăng, khả năng thu hút luồng khách này sang Việt Nam khá lớn, đặc biệt theo hành lang Đông Tây. Do đó, sẽ ưu tiên thu hút khách du lịch đường bộ, như du lịch canavan, nối chuyến qua các nước, du lịch cuối tuần, du lịch hàng không, đường thủy tuyến sông Mêkông, du lịch nông thôn, nghỉ dưỡng biển…
Theo: baocongthuong.com.vn