Thành phố Nam Định tập trung các giải pháp phát triển CN-TTCN

07:08, 31/08/2011

Trong 6 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn Thành phố Nam Định ước đạt 2.576,7 tỷ đồng, chiếm 53,4% tổng giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh. Đạt được kết quả này, các ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn luôn nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phát triển CN-TTCN. 

Sản xuất ở Cty CP May Nam Tiệp, CCN An Xá (TP Nam Định).
Sản xuất ở Cty CP May Nam Tiệp, CCN An Xá (TP Nam Định).

Thành phố Nam Định hiện có 1.400 doanh nghiệp dân doanh, 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 2.158 hộ sản xuất kinh doanh. Thành phố đã quy hoạch, đầu tư xây dựng CCN An Xá, giai đoạn 1 quy mô 45ha, giai đoạn 2 quy mô 43ha. Hiện nay, CCN An Xá đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư trên 98,3 tỷ đồng, gồm các công trình điện, đường… ổn định quỹ đất sản xuất tập trung cho 53 doanh nghiệp. Giai đoạn 2 đang được triển khai thực hiện, Thành phố sẽ lựa chọn phê duyệt các dự án lớn, có tiềm lực về kinh tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh việc quy hoạch đất, các ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kiến thức quản lý, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm… Các doanh nghiệp cũng đã nỗ lực khắc phục hạn chế, cải tiến trang thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thời gian qua, Cty CP Nam Tiệp đã không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ thiết bị máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm quần áo thời trang xuất khẩu. Hiện nay, tổng vốn đầu tư của Cty tại CCN An Xá đạt 18 tỷ đồng, năng lực sản xuất đạt 80 nghìn sản phẩm/tháng. Sản phẩm của Cty không chỉ có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước mà còn tạo được uy tín đối với thị trường nước ngoài và ngày càng được bạn hàng ký kết gia tăng số lượng. Đáp ứng nhu cầu về nguồn hàng xuất khẩu, Cty vừa mở thêm 1 xưởng may tại tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, Cty đang có 420 lao động với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH Hưng Thịnh cũng nỗ lực đầu tư 19 tỷ đồng nâng cấp hệ thống máy móc hiện đại, sản xuất được nhiều sản phẩm giấy vở chất lượng cao, giữ vững được thị trường trong tỉnh và mở rộng được thị trường ra các tỉnh lân cận. Trong 6 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất của Cty đạt 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 55 lao động với mức thu nhập bình quân 2,3 triệu đồng/người/tháng. Cty CP Sợi Việt An, đầu tư 18,5 tỷ đồng dây chuyền kéo sợi; Cty TNHH Nam Anh đầu tư 20 tỷ đồng nâng cấp dây chuyền sản xuất trục chà lúa; Cty TNHH Đúc Thắng Lợi đã gối sóng đầu tư gần 50 tỷ đồng nâng cấp trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tay nghề người thợ. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn chú trọng thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với người lao động, có nhiều hoạt động chăm lo đến đời sống tinh thần cho người lao động. Cty TNHH Hòa Phát, ngoài việc bảo đảm mức lương theo năng lực cho người lao động và các chế độ, chính sách theo luật định, còn quan tâm tổ chức các hoạt động sinh hoạt thể thao, thăm hỏi lúc hiếu hỉ, ốm đau, hỗ trợ 50% bữa ăn trưa. Cty Quảng cáo Châu Long thực hiện đầy đủ chế độ ưu đãi đối với công nhân: đóng BHYT, BHXH, thường xuyên cử lao động tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề… Việc xây dựng uy tín, thương hiệu để mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác được nhiều doanh nghiệp chú trọng thực hiện bằng cách tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm quy mô lớn, tổ chức quảng cáo, thiết lập các website. Các doanh nghiệp còn chia hướng đầu tư, vừa phát triển các ngành nghề truyền thống như cơ khí xây dựng, dệt may, nhựa hóa chất; vừa tập trung sản xuất các mặt hàng phụ trợ, phục vụ chế biến và tiêu dùng. Nhờ đó, các doanh nghiệp có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất: Các doanh nghiệp may hoặc cơ khí đã liên kết cùng nhau sản xuất các đơn hàng lớn; hỗ trợ sử dụng vốn quay vòng để giúp doanh nghiệp cùng ngành vay vốn. Trong các doanh nghiệp sản xuất ngành hàng phụ trợ phục vụ sản xuất, tiêu dùng đã nhận được sự ưu tiên sử dụng của các doanh nghiệp trên cùng địa bàn khi đưa ra mức giá thành sản phẩm hợp lý.

Thời gian tới Thành phố Nam Định đẩy mạnh phát triển công nghiệp dân doanh, sản xuất các sản phẩm truyền thống, làm vệ tinh cho các cơ sở sản xuất lớn, có chất lượng cao; đồng thời chuyển hướng sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, có chất lượng cao và xuất khẩu. Tập trung phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo máy phục vụ nông nghiệp, cơ khí đóng tàu, vận tải, dệt may, điện tử tin học, từng bước chuyển dịch, phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ. Trước mắt, Thành phố tiếp tục tìm nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các dự án đào tạo nhân lực, quản trị kinh doanh… cho các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp dân doanh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về môi trường sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp có vốn nước ngoài. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp chung, quy hoạch phát triển các ngành và sản phẩm cụ thể, trong đó tất cả các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng các hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com