Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh, nhưng thời gian gần đây phát triển chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp dẫn đến dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi và tình trạng lạm phát kéo dài nên giá thức ăn chăn nuôi tăng cao… Đầu tháng 1-2011, dịch lở mồm long móng xảy ra ở xã Nam Hùng (Nam Trực), đến tháng 3-2011 lại phát sinh trên đàn lợn 18 con của hộ ông Đặng Văn Thắng, xã Nam Hồng (Nam Trực). Cũng trong tháng 3, cúm gia cầm xuất hiện trên đàn gà 3.700 con của hộ ông Nguyễn Mạnh Tiến, xã Nghĩa An (Nghĩa Hưng)… Ngoài yếu tố dịch bệnh, trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2011 giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán thịt lợn thương phẩm tăng chậm, người chăn nuôi không có lãi nên nhiều hộ tạm ngừng chăn nuôi.
Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại an toàn sinh học tại xã Nam Dương (Nam Trực). |
Theo quy luật cung - cầu, đến thời điểm này, giá các loại thịt gia súc, gia cầm tăng cao một phần do người chăn nuôi đã xuất bán số lượng lớn con nuôi thương phẩm. Đồng chí Nguyễn Tiến Vững, Phó phòng Chăn nuôi (Sở NN và PTNT) cho biết: Để nhanh chóng khôi phục, phát triển đàn gia súc, gia cầm, hiện nay hầu hết các hộ chăn nuôi đã chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc con nuôi như chế độ ăn uống nhiều dưỡng chất, giữ gìn vệ sinh môi trường, nuôi vỗ đàn lợn sữa thành lợn thịt, kéo dài thời gian nuôi để tăng trọng lượng tối đa cho vật nuôi… Các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cấp bách như tiêu hủy đàn gia súc, gia cầm bị bệnh, tăng cường giám sát phòng chống dịch không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi lợn hướng nạc tuân thủ quy trình phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Trung tâm dạy nghề các huyện tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi phương pháp lựa chọn giống, chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Cty TNHH Thương mại Ngọc Hương (TP Nam Định) liên kết với các Cty chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y cung ứng nguyên liệu sản xuất cho các hộ chăn nuôi theo hình thức trả chậm. Bình quân mỗi năm Cty tổ chức 50 cuộc chuyển giao tiến bộ khoa học cho trên 200 hộ chăn nuôi, đồng thời phối hợp với đội ngũ cán bộ thú y tư vấn miễn phí kỹ thuật chăn nuôi và giải đáp vướng mắc cho hộ nuôi. Ngoài ra, Cty còn xây dựng 20 mô hình chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Hiện nay, chăn nuôi ở tỉnh ta đã phát triển ổn định, tổng đàn lợn đạt 695.358 con (không kể lợn sữa). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 64.173 tấn, tăng 5,06% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm đạt gần 6 triệu con, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm đạt 7.149,6 tấn, tăng 9,05% so với cùng kỳ. Để tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, mới đây BCH Đảng bộ tỉnh đã ra nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế trang trại, trong đó phát triển chăn nuôi theo hướng vì lợi ích lâu dài, bền vững cho chính người chăn nuôi. Theo đó, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các hộ dân phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại để tạo ra sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm vệ sinh môi trường. Các địa phương lựa chọn, xác định các vùng đất nhàn rỗi hoặc chưa đạt hiệu quả để quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung; khuyến khích, vận động các hộ phát triển các trang trại quy mô lớn, từng bước thay thế mô hình gia trại, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và các nguy cơ gây dịch bệnh trong chăn nuôi. Các địa phương tập trung xây dựng và thực hiện các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại; tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư hoặc liên kết đầu tư phát triển các cơ sở chế biến, xây dựng thương hiệu, hướng tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm gia súc, gia cầm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi… Về phía người chăn nuôi, bên cạnh sự nhanh nhạy tiếp cận, nắm bắt kịp thời cơ hội, điều kiện thuận lợi do các cấp chính quyền hỗ trợ, cần chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường./.