Thẩm định dự án vay vốn của doanh nghiệp tại Ngân hàng CP Thương mại Công thương tỉnh. |
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến ngày 19-8-2011, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 13.854 tỷ đồng, tăng 2.432 tỷ đồng (21,29%) so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 17.026 tỷ đồng, tăng 1.019 tỷ đồng (6,96%) so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 8.463 tỷ đồng, tăng 1.002 tỷ đồng (13,43%) so với đầu năm và đạt 49,18% trong tổng dư nợ. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất là 1.622 tỷ đồng, chiếm 11,82% trong tổng dư nợ, giảm 497 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ là 1,53%. Như vậy, so với chỉ tiêu của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ chỉ đạo về tốc độ tăng trưởng tín dụng không được vượt quá 20%, cho vay lĩnh vực phi sản xuất đến hết tháng 6 có tỷ trọng dưới 22% và đạt dưới 16% vào 31-12-2011… các kết quả đạt được của ngành Ngân hàng đều đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, một số vấn đề trọng tâm như cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh không ngừng tăng trưởng: Tỷ trọng dư nợ nông nghiệp, nông thôn đạt 49,18%; lĩnh vực vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh có 68.570 hồ sơ được giải quyết cho vay, chỉ có 64 hồ sơ không được vay vốn vì phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh không hiệu quả hoặc chưa hoàn thiện thủ tục. Thị trường ngoại tệ sau khi thực hiện quy định áp dụng trần lãi suất 3%/năm và 2%/năm, đồng thời tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thêm 2% đã dần ổn định tỷ giá ngoại tệ, lưu lượng chuyển đổi từ ngoại tệ sang VND gia tăng. Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh. Thống kê cho thấy, gần 4.000 doanh nghiệp của tỉnh hầu hết đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Trong 98 doanh nghiệp hoạt động tại KCN Hòa Xá (TP Nam Định) hiện nay, có 53 doanh nghiệp đang sử dụng vốn vay của ngân hàng với tổng dư nợ 800 tỷ đồng. Trong 7 dự án đầu tư vào tỉnh ta đầu năm 2011 có tới 50% tổng số vốn là vốn tín dụng… Mặc dù có ít số hồ sơ bị từ chối cho vay vốn nhưng một số doanh nghiệp phản ánh là vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay. Hơn nữa, hoạt động cho vay của các ngân hàng chưa thực sự có “cơ chế mở”, chưa thực sự trở thành người bạn đồng hành khi doanh nghiệp gặp khó khăn mà chỉ “mở” với những doanh nghiệp có triển vọng, tiềm năng. Cụ thể, đến nay, trong khi huy động vốn tăng tới 21,19% nhưng tăng trưởng dư nợ mới đạt 6,69% so với đầu năm. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho ngành Ngân hàng trong các tháng cuối năm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay; kiến nghị với TW và các hội sở chính của các ngân hàng không khống chế mức tăng trưởng dưới 20% mà cân đối với các địa phương khác để đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho tỉnh và cho các doanh nghiệp được vay vốn. Đồng chí Trần Văn Thiện, Giám đốc Ngân hàng CP Thương mại Công thương tỉnh cho biết: “Đến nay, nguồn vốn huy động của đơn vị đạt 1.830 tỷ đồng, dư nợ lên đến 2.073 tỷ đồng và có mức tăng trưởng dư nợ cao nhất tỉnh (9%). Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngân hàng đã đề nghị được tiếp vốn từ hội sở chính để đảm bảo vốn cho doanh nghiệp có nhu cầu”. Đối với hệ thống Ngân hàng NN và PTNT, trong gần 2 tháng qua đã đẩy mạnh dư nợ cho vay đối với khối doanh nghiệp. Dư nợ hiện nay của Ngân hàng NN và PTNT Bắc Nam Định tại KCN Hòa Xá đạt trên 500 tỷ đồng. Tổng dư nợ của Ngân hàng NN và PTNT tỉnh Nam Định đến hết ngày 19-8-2011 đạt 4.627 tỷ đồng. Đồng chí Vũ Thị Kim Oanh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh cho biết, tổng dư nợ hiện nay của đơn vị đạt 1.954 tỷ đồng, từ ngày 9 đến 16-8-2011, đã giải ngân 26 món vay của các doanh nghiệp, đưa tổng dư nợ của khối doanh nghiệp lên 1.743 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng chưa từ chối hồ sơ vay vốn hợp lý nào của doanh nghiệp. Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đang thể hiện ngày càng rõ nét thái độ đồng hành, cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua quy định cho vay tín chấp, cho vay để doanh nghiệp phát triển. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển áp dụng phương thức đánh giá tài sản thế chấp theo giá thị trường, cho vay không thế chấp với doanh nghiệp có uy tín. Ngân hàng NN và PTNT từ giữa năm 2011 đã thực hiện nới rộng mức cho vay đối với doanh nghiệp có khả năng phát triển sản xuất, cho vay dựa vào khả năng phát huy, bù đắp vốn của doanh nghiệp. Trong tháng 8-2011, Ngân hàng CP Thương mại Công thương tỉnh đã ký cam kết tín dụng với nhiều Cty, doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất như: Cty CP Dệt may Sơn Nam vay 257 tỷ đồng thi công xưởng kéo sợi và dệt khăn cao cấp, Cty Dệt may Nam Định vay 115 tỷ đồng, Cty Dược Nam Hà vay 69 tỷ đồng, Cty TNHH May Trường Tiến vay 16 tỷ đồng…
Bên cạnh việc giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ngành Ngân hàng cần duy trì mức lãi suất thấp nhất để phát huy hiệu quả vốn vay. Thực trạng hiện nay, áp lực cạnh tranh huy động vốn đã đẩy lãi suất vay lên cao (lãi suất thấp nhất hiện nay với các món vay là 19 đến 19,5%/năm) khiến nhiều doanh nghiệp khó có lãi, chưa tính đến nhiều ngân hàng để có vốn đã huy động mức lãi vượt quy định, có khi lên tới 17%-18%/năm nên phải cho vay trên 20%. Để giảm lãi suất cần có thời gian để nền kinh tế phục hồi và các biện pháp can thiệp từ phía Chính phủ. Trước mắt, biện pháp duy trì mức lãi suất cho vay thấp nhất có thể phụ thuộc vào lãi suất đầu vào huy động vốn. Nói cách khác, các ngân hàng phải có giải pháp để có thể đạt mức huy động vốn bảo đảm kế hoạch đề ra nhưng phải thực hiện đúng quy định không vượt trần lãi suất huy động 14%/năm. Nếu “xé rào” lãi suất để huy động vốn sẽ dẫn đến hiệu ứng đẩy lãi suất cho vay lên cao. Doanh nghiệp, khách hàng dù tiếp cận được vốn nhưng sản xuất, kinh doanh không hiệu quả sẽ không có giá trị thúc đẩy sản xuất, thậm chí còn rơi vào nguy cơ rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường quản lý và có biện pháp xử lý, xử phạt, thậm chí rút giấy phép đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng không tuân thủ quy định về trần lãi suất huy động./.
Bài và ảnh: Hoàng Long