Sức ép ô nhiễm từ phát triển đô thị và công nghiệp

08:08, 01/08/2011

Trong hơn 10 năm qua, trung bình, mỗi tháng cả nước có thêm 1 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá tăng gần 10%. Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh kéo theo nhiều vấn đề về xã hội, môi trường, văn hóa, hạ tầng giao thông...

Mỗi tháng có thêm một đô thị mới

Theo báo cáo thống kê của Bộ Xây dựng, từ 1999-2011, Việt Nam có thêm 126 khu đô thị, nâng tổng số khu đô thị trên cả nước lên 755. Trung bình, mỗi tháng cả nước có thêm 1 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng gần 10% (từ 20,7% lên 30,5%). Dân số đô thị tăng nhanh, khoảng 42%, từ 18,3 triệu người lên 26 triệu người đã kéo theo nhiều vấn đề về xã hội, môi trường, văn hóa, hạ tầng giao thông... Dự đoán, đến năm 2040, tốc độ phát triển đô thị tại Việt Nam sẽ đạt mốc 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay và có thêm khoảng 20 triệu người chuyển đến sống tại các thành phố.

Đô thị phát triển tạo nên sức ép lớn về ô nhiễm môi trường.  Ảnh: pv
Đô thị phát triển tạo nên sức ép lớn về ô nhiễm môi trường.
Ảnh: Internet

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đang rất phức tạp. Quy hoạch chung chưa có. Chính quyền “trải chiếu” mời doanh nghiệp đầu tư, nên ngày càng có nhiều đô thị tự phát, hậu quả không thể lường trước được.

Bên cạnh đó, tính đến nay, cả nước cũng đã có trên 200 KCN, nhưng chỉ có khoảng 105 KCN đã xây dựng và đi vào vận hành công trình xử lý nước thải tập trung, chiếm 60%. Tỷ lệ hoá công nghiệp diễn ra nhanh chóng đang làm biến đổi các điều kiện môi trường cả ở thành thị và nông thôn nước ta.

Các chuyên gia đánh giá, bên cạnh những kết quả tăng trưởng kinh tế mà các KCN, khu đô thị mang lại, những hạn chế, bất cập trong công tác tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường rất lớn, ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên, môi trường sống.

Gây ô nhiễm nghiêm trọng

Nhìn chung nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân và các nhà quản lý, các doanh nghiệp còn thấp. Không ít doanh nghiệp chây ỳ, không tích cực xử lý ô nhiễm mà còn có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng. Một số địa phương khi kêu gọi đầu tư đã xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, cho phép cơ sở sử dụng công nghệ lạc hậu; thậm chí có biểu hiện nương nhẹ trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là các cơ sở hoạt động công ích.

Phải nói rằng, nhiều khu đô thị và KCN đang mọc lên tràn lan, không đúng với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân cơ bản là do quy hoạch đi sau thực tế, hạ tầng thiếu đồng bộ.

Đại diện thanh tra Tổng cục Môi trường cho biết, để xảy ra tình trạng ô nhiễm đều có trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Nhiều khi sự phân cấp giữa bộ, ngành và chính quyền địa phương không rõ ràng cũng khiến cho hoạt động thanh tra, giám sát và xử lý trở nên khó khăn. Vị đại diện này dẫn chứng, chỉ có 10 ngày để xử phạt một cơ sở gây ô nhiễm nhưng nhiều khi đi từ Trung ương về tới cơ sở đã mất 6 ngày, 3 ngày còn lại để giải trình với Bộ và đề nghị xử phạt là quãng thời gian quá ngắn. Chưa kể, về cơ sở còn bị chính quyền sở tại trốn, tránh.

Rõ ràng, nếu chiếu theo Quyết định 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong giai đoạn 1, tiến độ xử lý đối với 3.856 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được thống kê năm 2000 còn rất chậm trễ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, để hạn chế tối đa các cơ sở mới gây phát sinh ô nhiễm môi trường, UBND các tỉnh, thành phố phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý những cơ sở gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Mặt khác, đa dạng hoá nguồn vốn cho công tác xử lý triệt để các cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, tới đây Bộ cũng sẽ đưa ra nhiều chính sách quản lý mới chặt chẽ hơn nữa việc đô thị hoá và công nghiệp hoá để công tác quản lý đô thị tốt hơn./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com