Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may, các doanh nghiệp đã tập trung khai thác thị trường nội địa nhiều tiềm năng còn bị bỏ ngỏ. Tại tỉnh ta, để chiếm lĩnh thị trường nội địa, hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến từng đối tượng khách hàng.
|
Sản xuất hàng dệt may nội địa của cơ sở may Thọ Xuyên, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc). |
Cty CP May Sông Hồng đã không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Trong 10 năm qua, sản phẩm chăn, ga, gối, đệm của Cty đã cung ứng tới các đối tượng người tiêu dùng trong cả nước. Các sản phẩm của Cty được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín, nguồn nguyên liệu bông, vải chất lượng cao, đạt tính ưu việt như: mềm, nhẹ, chống ẩm mốc, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm của Cty đạt được nhiều tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001-2000, WRAP, SA 8000, nhiều năm liền được người tiêu dùng bình chọn "Hàng Việt Nam chất lượng cao". Hiện nay, sản phẩm chăn, ga, gối, đệm của Cty được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đặt hàng trong toàn hệ thống. Năm 2010, Cty CP May Sông Hồng đạt doanh thu gần 1.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6.000 lao động. Làng nghề sản xuất quần áo thời trang và chăn, ga, gối, đệm xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) hướng đến đối tượng khách hàng là người lao động phổ thông nên sản phẩm quần áo thời trang đều được các hộ trong làng nghề sử dụng chất liệu cốt tông, đa dạng về kích cỡ, mẫu mã, màu sắc, tạo sự thoáng, mát cho người sử dụng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các hộ đều đầu tư hệ thống máy móc tương đối đồng bộ, hiện đại. Nhiều hộ đã chủ động học tập, nâng cao trình độ tay nghề, kỹ thuật thiết kế, cắt may... Xã hiện có 400 người (trong tổng số 2.100 lao động) làm nghề đã được học những kiến thức cơ bản về kỹ thuật may, thiết kế thời trang. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, thu hút được sự lựa chọn của người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình. Hiện tại, sản phẩm dệt may của xã Mỹ Thắng đã chiếm lĩnh được thị trường ở các tỉnh miền Bắc và đang mở rộng thị trường ở các tỉnh miền Nam. Doanh thu từ nghề sản xuất hàng may mặc và chăn, ga, gối, đệm của xã bình quân đạt khoảng 20 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 50% tổng doanh thu toàn xã. Bên cạnh những Cty lớn, những khu vực sản xuất tập trung, nhiều Cty, doanh nghiệp nhỏ cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng chỗ đứng trên thị trường trong nước. Tiêu biểu như Cty TNHH May thời trang Hetl (Thành phố Nam Định) với phương châm chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm. Đối tượng khách hàng của Cty là cán bộ công sở, văn phòng nên sản phẩm của Cty chủ yếu là quần áo thời trang nam, nữ chất lượng cao, hình thức lịch sự. Cty đã cử người sang Pháp học thiết kế thời trang đồng thời thường xuyên tổ chức nhiều khoá đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng sản xuất các sản phẩm mới cho người lao động. Với hệ thống máy móc thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại nên dòng sản phẩm thời trang của Cty đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cán bộ văn phòng, công sở thuộc các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Hiện tại, mỗi năm Cty cung ứng ra thị trường khoảng 70-80 nghìn sản phẩm...
Những nỗ lực nâng cao chất lượng hàng dệt may nội địa của các doanh nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành công nghiệp dệt may toàn tỉnh, 6 tháng đầu năm đạt 1.893,4 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đạt mức doanh thu nội địa cao, tiêu biểu là TCty CP Dệt may Nam Định đạt trên 300 tỷ đồng. Đặc biệt việc nâng cao chất lượng hàng dệt may nội địa của các doanh nghiệp còn góp phần tăng tỷ lệ người Việt Nam ưa chuộng hàng dệt may nội địa lên 80% trong kết quả điều tra cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội thực hiện./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Thanh Thúy