Mở rộng việc áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp

08:08, 05/08/2011

Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7-9-2009 với mục tiêu phổ biến rộng rãi công cụ này vào các cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất công nghiệp, đồng thời giảm chất thải và tác động của các cơ sở sản xuất đến môi trường và sức khỏe con người.

Sản xuất sạch hơn đã được phổ biến tại Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước bằng sự thành lập Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam và nỗ lực của nhiều nhà tài trợ như Thụy Điển, Ca-na-đa, Đan Mạch... Tuy nhiên mặc dù đã được trình diễn tại hàng trăm cơ sở sản xuất và lợi ích của nó đã được chứng minh trên thực tế, được truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mức độ lan tỏa của SXSH đã không được như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chưa hiểu và chưa áp dụng công cụ này.

Các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài nước đã có một số nghiên cứu đánh giá về những yếu tố có thể được coi là rào cản của SXSH tại Việt Nam. Những rào cản này có thể được phân thành bốn loại hình chính: chính sách của Nhà nước; động lực của cơ sở sản xuất; rào cản về kỹ thuật và rào cản về quản lý. 

Về vấn đề chính sách, mặc dù đã có nhiều cố gắng và đã xây dựng được hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường tương đối toàn diện, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế tuân thủ đối với các quy định của Nhà nước. Do vậy, nhiều cơ sở sản xuất còn chưa thật sự quan tâm bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nhiều nguồn lực đầu vào sản xuất (nhất là nước và nhân công) của chúng ta còn quá rẻ so với nhiều nước nên các doanh nghiệp chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Rào cản thứ hai là rào cản liên quan động lực của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa quán triệt quan điểm người gây ô nhiễm phải trả tiền trong chính sách bảo vệ môi trường của Nhà nước và cho rằng bảo vệ môi trường là việc của Nhà nước. Quan điểm chờ đợi hỗ trợ của Nhà nước trong các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có áp dụng SXSH còn tương đối phổ biến. Các doanh nghiệp cũng chưa thật sự hiểu lợi ích của SXSH đối với tính kinh tế của doanh nghiệp mà đơn thuần cho rằng SXSH cũng tương tự như việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thường gây chi phí tăng thêm.

Về mặt kỹ thuật, nhiều cơ sở sản xuất của nước ta còn tương đối yếu về kiểm toán và hạch toán nội bộ nên không đo đếm được mức chi phí của mình mất đi theo chất thải. Do vậy không nhận thấy sự cần thiết áp dụng SXSH để giảm chất thải đồng thời giảm chi phí sản xuất. Việc phổ biến SXSH thường dựa trên mạng lưới các nhà tư vấn nhưng ngay cả các chuyên gia tư vấn của ta cũng thiếu về số lượng và chất lượng. Đặc biệt thiếu là các chuyên gia SXSH chuyên ngành.

Mặc dù các rào cản trên là tương đối quan trọng, nhưng đã phần nào được xác định, nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra có tác động khắc phục tích cực. Thí dụ, đối với rào cản chính sách, các cơ quan quản lý ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều nỗ lực trong việc cưỡng chế tuân thủ với pháp luật về bảo vệ môi trường, giá năng lượng và các tài nguyên khác cũng dần tăng lên khiến các doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc nâng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Bộ Công thương thông qua dự án ODA do Đan Mạch tài trợ cũng đang thực hiện nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ sở sản xuất và tăng cường bổ sung các chuyên gia tư vấn về SXSH.

Loại hình rào cản từ trước đến nay chưa được chú ý nhiều đó là các rào cản mang tính quản lý bao gồm: Văn hóa doanh nghiệp; sự phù hợp của SXSH đối với phương thức quản lý của Việt Nam; và  kỹ năng quản lý của các chủ doanh nghiệp. Một cuộc điều tra đối với bốn nhóm đại diện bao gồm nhóm chuyên gia tư vấn về SXSH, nhóm cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến SXSH, nhóm doanh nghiệp đã áp dụng SXSH và nhóm doanh nghiệp chưa áp dụng SXSH để xác định đây có thật sự là rào cản và nếu là rào cản thì cần phải có những giải pháp gì để khắc phục đã được tiến hành.

Qua lăng kính của các chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam có quan điểm ngại thay đổi, do vậy các doanh nghiệp do họ quản lý cũng phải chịu văn hóa quản lý "tĩnh", kém linh hoạt trong việc đưa các công cụ quản lý mới vào áp dụng nếu thật sự không có áp lực từ bên ngoài hoặc động lực về lợi ích kinh tế, nhất là với các công cụ môi trường. Kết quả điều tra cho thấy đây là một nhận định có nhiều phần đúng, và để khắc phục được rào cản này, nhà quản lý cần phải kết hợp giải pháp tăng áp lực từ cơ quan quản lý, đồng thời tăng cường tuyên truyền về lợi ích của SXSH không chỉ trên phương diện môi trường mà quan trọng hơn đó là lợi ích kinh tế đối với doanh nghiệp khi áp dụng SXSH.

Nhận định về tính phù hợp của SXSH đối với phương thức quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, SXSH là một giải pháp có tính quy trình, hệ thống, chủ động và liên tục trong khi các doanh nghiệp Việt Nam quen thuộc hơn với các giải pháp có tính nhiệm vụ, một lần, thiếu chủ động và ngắn hạn. Kết quả điều tra cho thấy nhận định trên phần nào có cơ sở, và để SXSH phù hợp với Việt Nam, các hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cần được cụ thể hóa như điều chỉnh thuật ngữ cho gần gũi hơn với ngôn ngữ điều hành sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam; cách mô tả các bước thực hiện cần đơn giản hóa. Đặc biệt kết quả điều tra cho thấy cần có hướng dẫn riêng và cụ thể hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối với rào cản là kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp, tỷ lệ lớn những người tham gia điều tra đồng ý đây là một rào cản lớn. SXSH là một công cụ quản lý, để áp dụng doanh nghiệp trước hết cần phải có hệ thống quản lý tối thiểu, mặt khác để đo được lợi ích của SXSH. Chủ doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các dữ liệu sản xuất của mình, trong khi đó nhiều doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ không có hệ thống lưu giữ dữ liệu sản xuất. Do vậy việc nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất nói chung cho các doanh nghiệp là rất cần thiết để giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với các phương thức quản lý mới, bao gồm cả SXSH. 

Như vậy qua nghiên cứu cho thấy, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến các rào cản mang tính quản lý từ đó có biện pháp khắc phục nhằm phổ biến thành công SXSH tại Việt Nam, thực hiện mục tiêu của Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020./.

Theo: nhandan.org.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com