Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật - Lợi bất cập hại

08:08, 24/08/2011

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) không đúng cách gây nguy hại tới môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sản xuất. Trong khi đó, thuốc giả, thuốc kém chất lượng được bày bán khắp nơi, công tác quản lý, kiểm tra, xử phạt của các ngành chức năng lại chưa đủ mạnh.

Những con số cảnh báo

Mỗi năm thế giới có khoảng 3 triệu ca nhiễm độc liên quan đến TBVTV với 220.000 ca tử vong, trong đó, 99% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển. Đáng lo ngại, Việt Nam là quốc gia sử dụng phân bón hóa học vào hạng cao nhất trên thế giới.

Nguy cơ nhiễm độc do TBVTV có nguyên nhân do sự thiếu cẩn trọng của người dân, sự không suy xét lâu dài của các nhà sản xuất, nhập khẩu TBVTV và cả những nhận thức không đúng về "con dao hai lưỡi này".

Rõ ràng một quốc gia nông nghiệp, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của TBVTV. Tuy nhiên, nhìn lại thực trạng việc sử dụng TBVTV mới đáng giật mình.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN và PTNT), lượng TBVTV nhập vào Việt Nam hiện nay là 77.000 tấn, tổng lượng TBVTV trôi nổi không được phép sử dụng đang lưu trữ trên cả nước là khoảng 150 tấn. Chúng đặc biệt nguy hiểm vì thuộc vào nhóm POP (các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy), có khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường, do đó gây ra những nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe con người. 

Thuốc bảo vệ thực vật -
Thuốc bảo vệ thực vật - "con dao hai lưỡi".
Ảnh: Internet

Nguồn thuốc trôi nổi đi cùng với kinh doanh không phép khiến TBVTV càng có "đất" mở rộng phạm vi gây hại. Trong 4 năm trở lại đây, mỗi năm các ngành chức năng thanh, kiểm tra 14.000 đơn vị sản xuất kinh doanh TBVTV. Kết quả cho thấy, 14-16% số đơn vị có vi phạm. Nhiều nhất là điều kiện buôn bán không đủ an toàn,  thậm chí có đơn vị còn kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc giả... Lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc BVTV tại các cơ sở sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói và lưu thông hàng năm cho thấy, tỷ lệ mẫu không đạt chất lượng là 3-10,2% số mẫu kiểm tra.

Xét ở góc độ ý thức người dân, những con số mà Cục BVTV cung cấp khiến chúng ta lo ngại hơn về an toàn trên đồng ruộng. Có đến 81,4% số người mua thuốc để ngay trong nhà, 16% để ngoài vườn và 7% để thuốc trong... chuồng lợn. 94% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn; chỉ có 20% hiểu biết về tính chất độc hại của thuốc; 70% số người pha chế và sử dụng thuốc không theo hướng dẫn; 50% dùng tay pha chế thuốc...

Sức khỏe bị xem nhẹ

Cục Y tế dự phòng chỉ rõ, ngộ độc TBVTV là một trong mười nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện, chỉ sau cao huyết áp, phổi và tai nạn giao thông. Lý do là bởi các loại thuốc trừ sâu đều có tính độc cao và gây hại qua nhiều con đường. Trong quá trình dùng thuốc, một lượng thuốc nào đó có thể đi vào trong thân cây, quả, hoặc dính bám chặt trên lá, quả. Người và động vật ăn phải các loại nông sản này có thể bị ngộ độc tức thời đến chết, hoặc nhiễm độc nhẹ, từ từ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Thực tế cho thấy, có khoảng 70% trong số 15-20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với TBVTV của các nước, đã có triệu chứng ngộ độc. Mỗi năm cả nước xảy ra hơn 5.000 ca nhiễm độc hóa chất BVTV phải điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó hơn 300 trường hợp tử vong...

Mặc dù, Bộ NN và PTNT và Cục BVTV đã có nhiều văn bản quy định và hướng dẫn cách  sử dụng TBVTV an toàn có hiệu quả đặc biệt là trên rau và chè nhưng việc sử dụng TBVTV còn bộc lộ nhiều bất cập chưa tương xứng với yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp sạch.

Kết quả là làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc tăng liều lượng thuốc, tăng số lần phun thuốc, dùng TBVTV không theo hướng dẫn, lạm dụng TBVTV đã dẫn đến hậu quả gây ra hiện tượng kháng thuốc, làm thuốc mất hiệu lực, để lại tồn dư TBVTV quá mức cho phép trong nông sản, thực phẩm. Đó cũng là nguyên nhân của tình trạng ngộ độc thực phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của nông sản, hàng hóa trên thị trường thế giới.

Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, sử dụng thuốc trừ sâu liên tục sẽ sinh chứng nhờn thuốc. Vì thế mỗi loại thuốc trừ sâu chỉ có tác dụng mạnh một số năm đầu sử dụng. Để hạn chế bệnh nhờn thuốc, tăng khả năng diệt trừ sâu người ta thường tăng dần nồng độ thuốc, tăng số lần dùng thuốc. Tuy nhiên biện pháp này không lâu dài do không thể tăng mãi nồng độ được. Mặt khác, còn gây ô nhiễm môi trường mạnh hơn, do lượng tồn dư trong môi trường nhiều lên.

Theo quy định, mỗi loại TBVTV phòng trừ được một loại sâu hại nhất định, nhưng cũng có loại thuốc hỗn hợp, diệt trừ cùng lúc nhiều loại dịch hại, sâu bệnh. Đây chính là loại thuốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại nhất. Trong khi đó, người sử dụng chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của loại thuốc này và có quan niệm "thuốc càng diệt được nhiều loại sâu càng tốt", nên rất chuộng loại thuốc tổng hợp. Điều đáng lo ngại là người mua thường không tuân thủ các quy định về an toàn khi sử dụng thuốc. Nông dân khi sử dụng TBVTV ít người làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất, dùng tay không xé bao thuốc trừ sâu trên đồng ruộng, rồi ngay cả khi phun thuốc trừ sâu họ cũng không dùng khẩu trang, khi phun thuốc xong họ còn hồn nhiên vứt những lọ thuốc tại bờ ruộng./.

Theo: monre.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com