Khách hàng lựa chọn sản phẩm cọc bê tông ly tâm dự ứng lực của Cty Hoàng Anh sản xuất tại CCN Nam Hồng (Nam Trực). |
Cụm công nghiệp Nam Hồng (Nam Trực) hình thành năm 2003 với tổng diện tích 13,1ha, nằm ven quốc lộ 21 và tuyến sông Hồng nên rất thuận lợi về giao thông thủy, bộ. Năm 2008, UBND huyện Nam Trực bàn giao toàn bộ CCN Nam Hồng cho Cty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh quản lý, khai thác theo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh và các quy định của pháp luật. Với tiềm lực tài chính lúc đó khá thuận lợi nên Cty Hoàng Anh đã nhanh chóng đầu tư, san lấp mặt bằng, đồng thời thực hiện các hạng mục của dự án như làm đường giao thông nội địa, hệ thống thoát nước, tường rào bao quanh CCN và lắp đặt nhà xưởng Nhà máy cấu kiện bê tông Hoàng Anh với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Cty Điện lực Nam Định đã xây dựng hoàn chỉnh đường điện trung thế đến vị trí đặt trạm biến áp trong CCN. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Nam Hồng cũng sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư tuyển dụng nguồn lao động, cung ứng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và góp phần bảo đảm ANTT trong suốt quá trình xây dựng, sản xuất… Tuy nhiên, sau những biến động của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mà Hoàng Anh là đơn vị trực thuộc cùng với nhiều khó khăn về tình hình tài chính tiền tệ trong nước, quốc tế nên các dự án trong CCN Nam Hồng đều chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu, gây lãng phí đất đai và tạo nên dư luận không tốt trong nhân dân… Chia sẻ với khó khăn của nhà đầu tư, UBND tỉnh và huyện Nam Trực đã bàn bạc, tìm ra hướng đi mới nhằm từng bước tháo gỡ cho Cty Hoàng Anh, đồng nghĩa với việc cải thiện môi trường đầu tư vào các KCN, CCN của tỉnh. Sau những quyết định của tỉnh, Cty Hoàng Anh đã giữ lại diện tích đất 3,9ha và đầu tư thêm 166 tỷ đồng hoàn thiện Nhà máy cấu kiện bê tông dự ứng lực với dây chuyền sản xuất hiện đại của Hàn Quốc, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9-2010. Sản phẩm của nhà máy bao gồm các cấu kiện bê tông đúc sẵn, các loại cống hộp, nắp cống và cọc bê tông ly tâm dự ứng lực phục vụ xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng, tường chắn, cầu cảng, công trình biển ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm cọc bê tông ly tâm dự ứng lực PC và PHC từ D300 đến D800 tại đây được sản xuất trên dây chuyền tự động tiêu chuẩn Nhật Bản và quản lý theo hệ thống ISO:9000 nên chất lượng cọc đồng đều, tải trọng dọc trục cao, mô men uốn lớn, cho phép đóng ép xuyên qua các lớp địa chất cứng. Với các loại bê tông thông thường, tối thiểu là 28 ngày mới đảm bảo độ đông kết, nhưng sản phẩm bê tông cọc tại nhà máy chỉ sau 3 ngày có thể chuyển đến chân công trình. Những tháng cuối năm 2010, sản phẩm cọc bê tông Hoàng Anh đã được nhà đầu tư xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) lựa chọn sử dụng và đánh giá có chất lượng tốt. Dự kiến trong năm 2011, nhà máy sẽ hoạt động với 33% công suất thiết kế, tương ứng với 200.000m sản phẩm cọc, đạt doanh thu khoảng 50 tỷ đồng, thu hút 100 lao động có việc làm thường xuyên. Những năm tiếp theo, công suất của nhà máy sẽ tăng dần lên để đạt tối đa công suất 600.000m sản phẩm cọc bê tông ly tâm dự ứng lực, thu hút 125 lao động với tổng doanh thu khoảng 200 tỷ đồng.
Diện tích đất còn lại của CCN Nam Hồng đã được Cty Hoàng Anh chuyển giao cho nhà đầu tư mới là Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan) theo giấy chứng nhận đầu tư số 398 của UBND tỉnh để hoạt động trong thời hạn 46 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cty này sẽ dành 14 triệu USD xây dựng nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm từ da như túi da, ví da, thắt lưng da xuất khẩu. Theo đánh giá của các cơ quan hữu quan, Cty TNHH Yamani Dynasty là doanh nghiệp lớn của Đài Loan, có hơn 70 năm về bề dày kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực sản xuất, gia công các sản phẩm được làm từ nguyên liệu chính như da nhân tạo, vải dệt, da nilon xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ và các nước EU. Tại lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Cty TNHH Yamani Dynasty, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc chọn lựa xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm từ da tại CCN Nam Hồng là hợp lý bởi đặc tính sản phẩm và mức độ thu hút số lượng lao động lớn, khoảng hơn 1.000 nhân công. Tuy vậy, nguồn vốn và quy mô xây dựng nhà máy của chủ đầu tư chưa phải là mức kỳ vọng của tỉnh nhưng cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện Nam Trực, xã Nam Hồng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết về tiến độ dự án. Việc tiếp nhận thêm nhà đầu tư mới kết hợp cùng với Cty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh đẩy mạnh sản xuất bê tông dự ứng lực đang mang lại không khí sản xuất, kinh doanh mới tại CCN Nam Hồng, đáp ứng lòng mong đợi chính đáng có thêm công ăn, việc làm của nhân dân Nam Hồng (Nam Trực)./.