Với xuất phát điểm là nền kinh tế nông nghiệp, không có nhiều ưu đãi về tài nguyên, khoáng sản... nên tỉnh ta đã xác định mở rộng các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để phát huy nội lực, thúc đẩy nền kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Vì vậy, cần phải tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.
Trải “thảm đỏ” đón các nhà đầu tư !
Công tác thu hút đầu tư là vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến tăng trưởng, phát triển kinh tế. Tỉnh ta là một trong những địa phương sớm ban hành các cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư. Từ năm 2001, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2041/2001/QĐ-UB về “Một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Từ năm 2005 đến nay, những cơ chế, chính sách trên được bổ sung, hoàn thiện với mức ưu đãi ngang bằng hoặc hơn các địa phương khác. Đến hết năm 2010, hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh đã đưa ra 10 lĩnh vực ưu đãi đầu tư, gồm: Đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN, điện - điện tử, lắp ráp cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất phụ liệu ngành may, sản xuất phần mềm máy tính, du lịch... Mức ưu đãi đầu tư có sức hấp dẫn cao như: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước từ 3-11 năm cho dự án đầu tư ngoài KCN. Trong các KCN, dự án đầu tư được giảm đơn giá thuê đất, hỗ trợ 5.000 đồng/m2 tiền san lấp mặt bằng trong thời gian 5 năm và kinh phí đào tạo lao động 1 triệu đồng/người cũng như các khoản hỗ trợ về xây dựng trạm xử lý nước thải, quảng cáo, ưu đãi thuế... Danh mục dự án kêu gọi đầu tư tại tỉnh lên tới 35 loại với tổng vốn trên 2,2 tỷ USD, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể tìm đến đầu tư tại tỉnh. Cũng trong giai đoạn 2005-2010, UBND tỉnh đã triển khai thường xuyên các hội nghị xúc tiến đầu tư ở cả trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận được với các cơ chế, chính sách đầu tư cũng như thông tin về các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư tại tỉnh. Nổi bật là đợt xúc tiến đầu tư tại Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 5 đến ngày 9-10-2007, tỉnh ta đã tổ chức 6 hội nghị kêu gọi đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2009, tỉnh ta tổ chức đoàn cán bộ đi xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản. Đặc biệt, từ ngày 21-8 đến ngày 8-10-2009, đại diện tỉnh ta đã “tháp tùng” Chủ tịch nước và lãnh đạo Chính phủ dự diễn đàn xúc tiến đầu tư tại New-York và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh tại bang Texas (Mỹ). Ngày 5-8-2009, UBND hai tỉnh Nam Định và Thái Bình phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải. Tại đây, tỉnh ta đã ký kết 5 văn bản ghi nhớ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD và hơn 2,7 nghìn tỷ đồng...
Ban Quản lý các KCN tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty TNHH Nam Định KATOH. |
Tập trung vào dự án quy mô lớn, công nghệ cao
Theo thống kê của Sở KH-ĐT trong giai đoạn 2005-2010, lĩnh vực đầu tư ngoài các KCN của tỉnh đã tiếp nhận 150 dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn đầu tư trên 11,8 nghìn tỷ đồng, sử dụng diện tích đất trên 8,7 triệu m2 và trên 3 vạn lao động. Số dự án nước ngoài đã đầu tư ngoài các KCN tỉnh là 13 dự án, với tổng vốn trên 37,7 nghìn tỷ đồng, sử dụng trên 3 triệu m2 đất và trên 2.500 lao động. Lĩnh vực đầu tư vào các KCN của tỉnh được xác định có vị trí trọng tâm, là “đòn bẩy” thúc đẩy tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh cũng như sức tăng trưởng của nền kinh tế của tỉnh. Trong giai đoạn này, tại 4 KCN của tỉnh đã thu hút 99 dự án, với tổng số vốn đầu tư trên 9,8 nghìn tỷ đồng và 95,1 triệu USD, sử dụng trên 3,2 triệu m2 đất và hơn 2,7 vạn lao động. Trong đó, tập trung đầu tư lớn nhất tại KCN Hoà Xá (TP Nam Định) gồm 82 dự án (69 dự án đầu tư trong nước, 13 dự án đầu tư nước ngoài) với trên 1,2 triệu m2 đất cho thuê và sử dụng 18.700 lao động. Đánh giá hàng năm của UBND tỉnh cho thấy, các dự án đầu tư vào tỉnh nói chung và các KCN của tỉnh nói riêng đã có đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực giải quyết việc làm, tăng trưởng công nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp tại các KCN của tỉnh đạt 910 tỷ đồng, bằng 20% giá trị toàn tỉnh và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng số lao động được tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp là 2,6 vạn người, với thu nhập bình quân từ 1,8 đến 2,3 triệu đồng/người/tháng.
Kết quả thu hút đầu tư giai đoạn 2005-2010, tỉnh ta đã ngày càng thu hút nhiều dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm về công nghiệp. Cơ bản các nhà đầu tư được cấp phép đều hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án quá nhỏ, một số nhà đầu tư không thực sự đủ năng lực như đã đăng ký; trong đó đến nay, UBND tỉnh đã phải thu hồi, chấm dứt tới 20 dự án do chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc không tuân thủ các quy định, gồm 17 dự án tại KCN Hoà Xá, 2 dự án tại KCN Mỹ Trung, 1 dự án tại KCN tàu thuỷ Vinashin. Việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai xây dựng các KCN, tốc độ phát triển công nghiệp mà còn tạo hình ảnh xấu về môi trường đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh hiện nay cũng phải phù hợp với xu hướng chung là hướng đến công nghệ hiện đại và sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp, tập trung. Đồng chí Ngô Quang An, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: “Sau giai đoạn mở rộng, khuyến khích mọi thành phần, lĩnh vực đầu tư vào tỉnh để gia tăng nguồn lực, thực tế hiện nay đòi hỏi tỉnh ta phải chọn lọc trong tiếp nhận dự án có đủ điều kiện thúc đẩy mạnh đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm mục tiêu hiện đại hoá. UBND tỉnh đang nghiên cứu, phê duyệt “Cơ chế, chính sách khuyến khích các dự án đầu tư, phát triển công nghệ cao và quy mô lớn”. Định hướng từ năm 2011 sẽ tập trung thu hút các dự án ở loại hình công nghệ cao, quy mô lớn này”. Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyển, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2011 đến nay đã có 12 nhà đầu tư nước ngoài và vài chục lượt các nhà đầu tư trong nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh ta. Tỉnh đã trao giấy phép đầu tư cho 7 nhà đầu tư triển khai dự án tại tỉnh nhưng cũng từ chối một số dự án nhỏ lẻ hoặc năng lực nhà đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu của tỉnh. Từ cuối năm 2010 đến nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư, đã tham dự, tổ chức hàng chục hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, tiến hành phát sóng chương trình quảng bá về môi trường đầu tư của tỉnh qua kênh VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam tới nhiều quốc gia, với dung lượng 5 buổi, hoàn thành đĩa VCD và bộ tài liệu giới thiệu cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh và phát hành rộng rãi. Đẩy mạnh xúc tiến nhưng kiên quyết từ chối dự án không khả thi; không vội vàng chấp nhận các dự án nhỏ, công nghệ lạc hậu. Quỹ đất để thu hút đầu tư của tỉnh hiện không còn nhiều nên mục tiêu thu hút đầu tư sẽ hướng đến các dự án lớn, công nghệ hiện đại.
Để định hướng mới về thu hút đầu tư đạt hiệu quả, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến, tiếp tục tạo cơ chế khuyến khích đầu tư, để thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực thì cũng cần quan tâm giải quyết một số tồn tại như: Công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công hạ tầng KCN còn chậm; hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông, vệ sinh môi trường chưa thực sự đồng bộ... Đặc biệt, công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu các dự án công nghệ cao quy mô lớn là yếu tố quan trọng được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Nếu đồng bộ được công tác xúc tiến đầu tư với các vấn đề trên, chắc chắn tỉnh ta sẽ thu hút được các nhà đầu tư phù hợp với yêu cầu của tỉnh./.
Bài và ảnh: Hoàng Long