Bắt mạch thị trường: Cơ hội xuất khẩu gạo

02:08, 19/08/2011

Như Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã công bố, tính đến hết tháng 7, lượng gạo xuất khẩu cả nước đã đạt 4,619 triệu tấn. Trong đó, lượng gạo xuất theo hợp đồng thương mại đã chiếm gần một nửa. Tổng giá trị tính theo giá giao hàng tại cảng đạt tới 2,187 tỷ USD. Như vậy, lượng gạo đã xuất khẩu và giá trị thu về từ đầu năm tới nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng 16,7% về số lượng và 26% về giá trị kim ngạch. Thống kê của VFA còn cho biết, giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm tới nay cũng đã đạt 473,37 USD/tấn, tăng 35,11 USD/tấn so với trước. Riêng tháng 7 vừa qua, xuất khẩu gạo lập mức kỷ lục cả về số lượng và giá trị khi có hơn 706,7 nghìn tấn gạo được xuất đi với giá bình quân tăng cao hơn trước 78,2 USD/tấn.

Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, lượng gạo đăng ký hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 7 của các doanh nghiệp hội viên đã đạt đến con số 6,183 triệu tấn. Trừ lượng gạo đã xuất đi, số còn lại chưa giao hàng là 1,5 triệu tấn và phần lớn các đầu mối xuất khẩu sẽ phải giao hàng ngay trong tháng 8 và 9 này. Song, đây không phải là vấn đề quan ngại, bởi hiện tại lượng gạo còn tồn kho trong doanh nghiệp là gần 1,4 triệu tấn. Tại ĐBSCL, diện tích lúa vụ hè thu cũng mới thu hoạch được khoảng 60% trong số 1,6 triệu ha, năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha. Nhận định về thị trường lúa gạo thời gian gần đây, VFA cho rằng: Nhu cầu xuất khẩu tăng và giá gạo trên thị trường thế giới có xu hướng tăng, nhiều thương nhân tăng cường mua vào để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và chờ tăng giá bán… Vì vậy, lượng lúa gạo vụ hè thu của bà con nông dân đã thu hoạch về tiêu thụ khá nhanh với giá lúa bình quân từ 6.650 đồng đến 6.800 đồng/kg. Bảy tháng đầu năm, giá lúa bán tại kho cũng đạt bình quân 5.860 đồng - 6.040 đồng/kg. Trong khi đó, tình hình thị trường gạo thế giới đang diễn biến phức tạp do chính sách nâng giá lúa thế chấp của Thái Lan khiến xuất khẩu gạo của nước này chậm lại. Mỹ cũng góp phần làm tăng giá gạo thế giới khi diện tích sản xuất niên vụ 2011-2012 của nước này đã bị thu hẹp đến 30%. Hiện tại, giá gạo hạt dài xuất khẩu của Mỹ đã lên tới 600-650 USD/tấn, vượt qua mức giá 560 USD/tấn của gạo Thái Lan.

Từ chính sách thay đổi của các nước xuất khẩu gạo, gạo xuất khẩu Việt Nam trở thành nguồn cung cấp chính. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức với hoạt động xuất khẩu gạo trong nước. Bởi, bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá bán… cũng sẽ có nhiều rủi ro khi thị trường biến động, giá gạo tăng cao ngoài dự kiến, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đầu mối gặp khó khăn do không kịp chuẩn bị đủ hàng để thực hiện các hợp đồng, nhất là khi hoạt động xuất khẩu gạo còn có sự tham gia của 43 thương nhân trong và ngoài nước như hiện nay. Mặt khác, năng lực xuất khẩu gạo của cả nước có hạn, nếu xuất khẩu vượt mức cân đối và giá gạo thế giới lên quá cao sẽ ảnh hưởng tiêu dùng trong nước. Trước thực trạng này, VFA đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu của tháng 8 và 9 với 700 nghìn tấn/tháng để đến hết tháng 9 lượng gạo xuất đi đạt 6 triệu tấn.

Lượng gạo xuất khẩu cả năm nay, theo hướng dẫn của Bộ NN và PTNT, có thể đạt 7-7,3 triệu tấn. Như vậy, cả quý IV sẽ chỉ có thể còn xuất được 1,3 triệu tấn. Theo dự báo của VFA, cân đối xuất khẩu gạo những tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn do nguồn cung hạn chế so với nhu cầu xuất khẩu. Điều này còn gây ảnh hưởng đến lượng gạo tồn kho chuyển sang gối đầu cho quý I-2012 giảm, khó đáp ứng nhu cầu thị trường thời điểm đầu năm tới./.

Theo: Thời Nay



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com