Bảo vệ người tiêu dùng bằng quy định niêm yết giá

08:08, 11/08/2011

Pháp lệnh Giá được ban hành từ năm 2002 quy định bắt buộc phải niêm yết giá trong kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, vì nhiều lý do quy định này vẫn bị buông lỏng. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng bị thiệt thòi do thiếu niêm yết giá, nhất là ở các thời điểm thị trường có nhiều biến động như hiện nay.

Người mua thiệt thòi

Pháp lệnh Giá được Quốc hội khóa X ban hành ngày 26-4-2002. Trong đó, tại khoản 1 và 2, Điều 29, Chương 3 quy định “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; việc niêm yết phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho người mua” và “đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá thì tổ chức, cá nhân phải niêm yết đúng giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và mua, bán đúng giá niêm yết”. Tuy nhiên, những năm qua và hiện nay quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Tại Thành phố Nam Định, có rất ít điểm kinh doanh có niêm yết giá. Các quầy hàng, hộ kinh doanh dọc các khu phố trung tâm như: Trần Hưng Đạo, Hàng Tiện, Hàng Đồng, Lê Hồng Phong, Hai Bà Trưng… bày bán các loại hàng hoá nhưng không thấy niêm yết giá bán. Tại các cửa hàng quần áo trên các phố Hàng Đồng, Hai Bà Trưng, khi được hỏi có niêm yết giá theo quy định không, các chủ cửa hàng đều trả lời là có nhưng phải bới mãi tận bên trong sản phẩm mới tìm thấy dòng chữ số nhỏ được “bắn” đè lên nhãn mác, nhưng mặc cả vài câu thì mức giá bán có khi chỉ còn 2/3, thậm chí là 1/2 so với giá niêm yết. Phố Lê Hồng Phong được coi là tuyến tập trung kinh doanh điện thoại di động. Vài năm nay, đây là mặt hàng “nhạy cảm” về chất lượng và giá cả do sự xuất hiện tràn lan của điện thoại Trung Quốc nhái hàng chính hãng. Vậy nhưng hầu hết khách hàng đều không biết được giá là bao nhiêu để phần nào đánh giá chất lượng vì hầu hết các cửa hàng đều không hề có niêm yết giá. Một nhân viên bán hàng cho biết: “Ai hỏi mua thứ nào thì nói giá thứ ấy. Bán được một chiếc điện thoại chính hãng lờ lãi chẳng đáng bao nhiêu. Nguồn lãi lớn của kinh doanh điện thoại là nhờ khách hàng không biết đâu là hàng thật, giả. Kể cả máy chính hãng cũng có vài chi tiết quan trọng được rút ra thay bằng linh kiện Trung Quốc!”… Ở các chợ của thành phố, việc niêm yết giá cũng ít được thực hiện. Tại chợ Mỹ Tho, chỉ có mấy hàng bán chè khô có bảng đề giá được cắm trên các túi hàng. Chợ Rồng - Trung tâm thương mại lớn nhất của toàn tỉnh, là đầu mối cung cấp hàng cho thành phố và các huyện, đi hết 3 tầng chợ chúng tôi chỉ đếm được trên 10 quầy hàng có niêm yết giá. Việc thực hiện quy định niêm yết giá ở các chợ, các điểm kinh doanh khác ở thành phố và 9 huyện trong tỉnh cũng tương tự… Đến thời điểm này ở tỉnh ta, việc niêm yết giá chỉ được thực hiện tương đối nghiêm túc ở các siêu thị. Tuy nhiên, đi thực tế tại một số siêu thị cho thấy vẫn có một số mặt hàng chưa thực hiện niêm yết giá theo quy định, phải đến khi ra quầy thanh toán và xem hóa đơn, người mua mới biết giá là bao nhiêu?! 

Niêm yết giá là biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng.
Niêm yết giá là biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng.

Người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi trong việc không niêm yết giá, có nguy cơ mua đắt. Chị Phạm Thị Thoan, ở tổ 7, phường Trường Thi (TP Nam Định) cho biết: “Chồng tôi ngại mặc cả khi mua nên tôi sợ nhất khi chồng đi mua hàng. Lần nào giá mua cũng cao gấp đôi, gấp rưỡi giá đúng. Cửa hàng nào bây giờ cũng nói thách cao lắm!”. Bà Nguyễn Thị Thảo ở Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định) dù có thâm niên đi chợ cũng không tránh khỏi bị thua thiệt về giá: “Mấy ngày cuối tháng 7 giá cả thất thường, người bán hàng trong chợ tự nâng giá, nhất là giá thịt lợn và một số loại thực phẩm. Tôi mua xong, sang hỏi ở chợ khác thì thấp hơn. Không lẽ ngày nào đi chợ cũng phải vòng khắp thành phố để tham khảo giá!”. Còn chị Lê Thị Vân, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) thì bức xúc: “Mới sáng 4-8, tôi hỏi giá chiếc áo tại một cửa hàng ở phố Hai Bà Trưng nói 400 nghìn đồng. Thấy đắt, định bỏ đi thì chủ cửa hàng lập tức mắng té tát, bắt phải mua mở hàng, suýt nữa thành xô xát…”. Theo chị Vân, ở phố nào, chợ nào cũng có một vài người bán hàng hành xử kiểu “côn đồ”, hét giá “trên trời” nhưng khi không ép được khách hàng mua là chửi bới, đốt vía, thậm chí dọa nạt, hành hung. Nhiều người tránh đi chợ, đi mua hàng vào buổi sáng, vào ngày rằm, ngày đầu tháng vì sợ bị ép mua, bị chửi… Thiếu niêm yết giá còn khiến người mua hàng không thể phân định được chất lượng hàng hóa vì giá được công khai chính là một trong những yếu tố để đánh giá chất lượng hàng hóa.

Cần thực hiện nghiêm về niêm yết giá

Khi được hỏi tại sao không thực hiện quy định niêm yết giá, người bán hàng có đủ lý do để ngụy biện cho việc vi phạm của mình. Bà Lê Thị Liên, một chủ quầy cung cấp hoa quả ở chợ Lý Thường Kiệt (TP Nam Định) cho rằng: Giá cả lên xuống một ngày mấy lần, không đủ người, đủ thời gian để cập nhật giá cho người mua. Còn chủ một quầy hàng ở chợ Mỹ Tho (TP Nam Định) thì thẳng thắn: “Đúng là chúng tôi có bán cao hơn giá quy định, nhưng lúc này hàng hóa ế ẩm, kinh doanh khó khăn, cũng phải bán cao hơn để bù lại phần nào (!)”. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc không thực hiện quy định niêm yết giá tại tỉnh ta là do sự buông lỏng quản lý, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng. Đồng chí Đặng Đình Kiên, Giám đốc Cty Dịch vụ, kinh doanh và quản lý chợ Thành phố Nam Định thừa nhận, các chợ do Cty quản lý chưa thực hiện nghiêm túc quy định niêm yết giá. Giám đốc Cty quản lý chợ và ban quản lý các chợ của thành phố đều có chung lý giải chính là khi phát hiện cũng không có đủ thẩm quyền xử lý đối với các vi phạm về niêm yết giá. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thêm thì được biết, cách đây vài năm Cty đã có xử lý một số hộ kinh doanh thực phẩm tự ý tăng giá sai quy định bằng cách đình chỉ cho thuê quầy đối với một hộ cố tình không tuân thủ. Không lẽ đây không được coi là một biện pháp xử lý theo thẩm quyền có hiệu quả?

Tìm hiểu vấn đề này tại Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) thì được biết, đến ngày 14-7-2011, các đơn vị chuyên môn thuộc Chi cục đã tiến hành kiểm tra tổng số 2.143 đơn vị, cơ sở, hộ kinh doanh, trên các lĩnh vực; đã phát hiện, xử lý 847 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hành chính và hàng hóa thu giữ là 1,2 tỷ đồng. Trong đó chỉ có 218 vụ vi phạm về giá (không niêm yết giá, niêm yết giá không đầy đủ và niêm yết sai quy định) với số tiền phạt khoảng gần 300 triệu đồng. Có thể thấy con số này chưa thực sự tương xứng với mức độ vi phạm tràn lan, nghiêm trọng về niêm yết giá đang diễn ra hiện nay.

Những vấn đề trên cho thấy đã đến lúc phải giải quyết nghiêm túc, triệt để những vi phạm về niêm yết giá để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Việc thực hiện, trước hết đòi hỏi sự vào cuộc tích cực chủ động của các ngành chức năng, trong đó trực tiếp là lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, triệt để. Chính quyền các địa phương, ban quản lý các chợ trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục và có các hình thức xử lý phù hợp, trong thẩm quyền của mình để góp phần ngăn chặn vi phạm này, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng./.

Bài và ảnh: Hoàng Long

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com