“Đòn bẩy” phát triển công nghiệp nông thôn

08:07, 11/07/2011

Nghị định 134 của Chính phủ đã tạo nên những chuyển biến tích cực và giữ vai trò là “đòn bẩy” trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành công nghiệp nông thôn.

Sau 6 năm (2005-2010) triển khai, từ 541 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ, hoạt động khuyến công đã thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả các nội dung khuyến công trên phạm vi cả nước. Cụ thể, hoạt động khuyến công đã dành hơn 43% nguồn kinh phí (khoảng 233 tỷ đồng) để thực hiện các chương trình đào tạo nghề, truyền nghề cho 401.255 lao động, trong đó ưu tiên dành kinh phí thực hiện các đề án đào tạo nghề cho lao động vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và lao động nông nghiệp bị thu hồi đất do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá nhằm nâng cao đời sống cho người dân và đảm bảo vấn đề an sinh xã hội... Với hơn 94% số lao động có việc làm sau đào tạo, thu nhập bình quân đạt từ 1-1,2 triệu đồng/người/tháng, đây được đánh giá là một trong những nội dung đạt hiệu quả cao của hoạt động khuyến công.

Cán bộ Cty CP La Xuyên Vàng (Ý Yên) giám sát kỹ thuật vận hành lò sấy gỗ.  Ảnh: thanh thúy
Cán bộ Cty CP La Xuyên Vàng (Ý Yên) giám sát kỹ thuật vận hành lò sấy gỗ.
Ảnh: Thanh Thúy

Trong giai đoạn 2005-2010, hoạt động khuyến công đã dành 119,2 tỷ đồng (chiếm hơn 22% nguồn kinh phí) hỗ trợ cho 946 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới, công nghệ mới và hỗ trợ cho 1.440 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường. Chú trọng thực hiện các đề án hỗ trợ mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ sản xuất. Hoạt động khuyến công không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT hiện đại hoá phương thức sản xuất, tăng năng suất, tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất. Bởi theo tính toán, cứ 1 đồng ngân sách Nhà nước bỏ ra đầu tư sẽ thu hút được 33,8 đồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Con số này khẳng định hiệu quả đầu tư của chương trình.

Để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đồng thời tạo cơ hội giao lưu, xúc tiến thương mại, hoạt động khuyến công rất tích cực thực hiện nhiều chương trình phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu. Trong 6 năm, với 27,4 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ, hoạt động khuyến công đã tổ chức thành công 8 hội chợ triển lãm và 8 lần bình chọn hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo. Ngoài ra, hoạt động khuyến công cũng dành nguồn kinh phí thực hiện các chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp...

Sau 6 năm triển khai, Nghị định 134/2004/NĐ-CP đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc động viên và huy động các nguồn lực vào phát triển ngành, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể và góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá CNNT. Thành quả của hoạt động khuyến công được thể hiện rõ nhất qua tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành CNNT luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Cụ thể: giai đoạn 2005-2010, giá trị sản xuất của ngành CNNT đạt mức tăng trưởng 16,65%/năm, trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp chỉ đạt 13,77%/năm và số lượng cơ sở sản xuất CNNT tăng trung bình cả giai đoạn là 8,64%/năm.

Bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động khuyến công cũng bộc lộ một số điểm yếu: Nguồn kinh phí hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu; quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công từ khâu thẩm định đến xét duyệt chuyển giao còn nhiều thủ tục rườm rà, quy mô của các đề án còn nhỏ và thiếu sức lan toả; năng lực quản lý của đội ngũ khuyến công viên còn nhiều hạn chế... Để khắc phục những khó khăn này, hoạt động khuyến công sẽ chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến công; nâng cao năng lực của đội ngũ khuyến công; tăng nguồn kinh phí và tăng cường phối hợp với các tổ chức kinh tế - xã hội để thúc đẩy hoạt động khuyến công./.

Bảo Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com