Nhân viên VNPT Nam Định giới thiệu với khách hàng loại hình dịch vụ được cung cấp trên nền công nghệ hiện đại - MyTV.
Ảnh:
Nguyễn Thanh Thúy
|
Sự tăng trưởng kinh tế ở mức cao và ổn định của nước ta có phần đóng góp quan trọng của việc tăng cường ứng dụng và đổi mới công nghệ. Theo số liệu của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) trong 20 năm qua, nhóm ngành công nghiệp có sử dụng công nghệ cao tăng bình quân 14,6%/năm, công nghệ trung bình tăng 12,2%, công nghệ thấp tăng 9,8%/năm. Sự tăng trưởng này phản ánh quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo sản phẩm tiêu dùng có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Từ thành công của một số doanh nghiệp khi đổi mới công nghệ có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: Chủ động xây dựng chương trình mở rộng sản xuất và lập kế hoạch phát triển lâu dài; cập nhật thông tin về công nghệ liên quan sản xuất của ngành mình; tạo môi trường thuận lợi để kích thích sự sáng tạo, suy nghĩ, thử nghiệm, thảo luận và phát triển ý tưởng của các thành viên trong doanh nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ công nghệ phù hợp quy hoạch và kế hoạch phát triển sản xuất.
Mặc dù đã có những đóng góp đáng ghi nhận, nhìn chung, trình độ công nghệ nước ta còn thấp, hoạt động đổi mới công nghệ chưa trở thành yếu tố cạnh tranh, quyết định sự phát triển của doanh nghiệp và các ngành, các lĩnh vực. Theo đánh giá chung hiện nay, phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu từ hai đến ba thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Không chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô hoạt động lớn cũng chưa thật sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng đổi mới công nghệ. Với thực trạng về trình độ và quá trình đổi mới công nghệ như vậy, các doanh nghiệp nước ta chưa đủ năng lực để sản xuất tạo sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.
Nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, nhằm mục tiêu đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu này sẽ khó đạt được nếu không có các giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ để thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, nhất là ở khu vực doanh nghiệp, khu vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Trước thực tế đó, ngày 10-5-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 677/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. Chương trình thật sự được coi là đòn bẩy giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua các ưu đãi về cơ chế chính sách, tài chính, thuế...
Chương trình đã đề ra các giải pháp cụ thể: Tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ; phối hợp và triển khai đồng bộ các chương trình đề án, dự án có liên quan đổi mới công nghệ; tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện chương trình; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, khuyến khích sáng tạo công nghệ. Các giải pháp nói trên đã thể hiện rõ quan điểm: Doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao phục vụ hiệu quả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đổi mới công nghệ chỉ có thể thành công khi doanh nghiệp xác định đó là nhu cầu tự thân sống còn của mình để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế./.
Theo: nhandan.org.vn