Doanh nghiệp Việt Nam từng bước khẳng định thương hiệu

10:07, 07/07/2011

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế nước ta thời gian qua. Xuất nhập khẩu tăng mạnh, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, ODA, kiều hối “chảy vào” ở mức cao. Quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với nhiều nước, đối tác được tăng cường và mở rộng. Lực lượng doanh nghiệp (DN) trong nước phát triển nhanh và mạnh, nhiều thị trường được mở rộng. Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới.

Khẳng định tại Diễn đàn Hội nghị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 được tổ chức tại Hà Nội tháng 5 vừa qua, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda ca ngợi Việt Nam về tiến bộ đạt được những năm qua, nhất là từ khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng hơn, mang lại cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách cơ cấu, mở rộng thị trường, thu hút vốn và công nghệ cao... 

Lễ trao giải Sao vàng Đất Việt năm 2010. Ảnh: Internet
Lễ trao giải Sao vàng Đất Việt năm 2010.
Ảnh: Internet

Không chỉ ADB mà nhiều nước, tổ chức quốc tế lớn như EU, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)... đều đánh giá cao các thành tựu Việt Nam đã đạt được trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhiều DN Việt Nam bắt đầu mở rộng quy mô đầu tư ra nước ngoài. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác ở nước ngoài, từ miền băng giá Nhenheski của Nga đến vùng Touggourt ở sa mạc nóng bỏng Sahara thuộc Algeria, hay tận Venezuela ở tây bán cầu... để đem “vàng đen” về cho Tổ quốc.

Những năm qua, các DN Việt Nam cũng đầu tư bứt phá vào Campuchia, Lào và Myanmar. Riêng thị trường Campuchia, từ năm 2009 đến nay, các DN Việt Nam đã “tăng tốc” tới hàng tỷ USD vốn đầu tư. Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhiều lần khẳng định: Việc các DN đầu tư vào Campuchia, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn khỏi Campuchia, đã tạo hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Các tập đoàn, Tổng Cty lớn như Viettel, Vietnam Airlines, Hoàng Anh Gia Lai, Công nghiệp Cao-su Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam... đang làm ăn hiệu quả tại đây. Có dịp công tác tại Campuchia, Myanmar, chúng tôi thấy nhiều sản phẩm Việt Nam được bày bán và tiêu thụ mạnh từ siêu thị đến các chợ bình dân. Nhiều người bạn Campuchia nói với chúng tôi rằng họ rất ưa chuộng hàng hoá Việt Nam vì chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và giá cả cạnh tranh.

Trong lĩnh vực thương mại, các DN Việt Nam ngày càng có cơ hội mở rộng thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã có thương hiệu trên thị trường quốc tế như thuỷ sản, gạo, cà-phê, hạt điều, may mặc, đồ gỗ... với kim ngạch và sản lượng đứng nhất, nhì thế giới. Vừa qua, tại vòng đàm phán thứ 7 Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở Thành phố Hồ Chí Minh, các bên đã đạt được nhiều thoả thuận quan trọng về viễn thông, hải quan, môi trường...

Lợi ích lớn nhất mà Việt Nam có được khi TPP được ký kết chính thức là đẩy mạnh xuất khẩu vì đây là một hiệp định thương mại tự do toàn diện. Hơn nữa, Việt Nam cũng sẽ có điều kiện hoàn thiện môi trường đầu tư để thu hút nhiều vốn FDI hơn nữa. Trong năm 2011, Australia, New Zealand, Nhật Bản cam kết giảm nhiều dòng thuế so năm 2010 cho các DN Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá sang các quốc gia này.

Bên cạnh lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các DN Việt Nam cũng đang phải đối đầu nhiều khó khăn và thách thức. Muốn tận dụng thời cơ, hạn chế thách thức, vươn ra “đánh bắt xa bờ”, đòi hỏi Chính phủ có chiến lược hội nhập lâu dài, căn cơ, chung sức cùng cộng đồng DN tháo gỡ khó khăn, phát huy nội lực, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất kinh doanh của từng DN./.

Theo: Thời Nay



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com