Định hướng điều hành xuất khẩu sáu tháng cuối năm

07:07, 08/07/2011

Tại hội nghị giao ban xuất khẩu (XK) sáu tháng đầu năm 2011 tổ chức ngày 6-7, Bộ Công thương nhận định: Tình hình XK đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, bình quân mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,06 tỷ USD, cao hơn mức bình quân kế hoạch (6,62 tỷ USD). Kim ngạch XK tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước và so kế hoạch đề ra, nhiều mặt hàng đã có mức tăng mạnh và giá cả nhiều mặt hàng khoáng sản, nông sản tăng đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng XK. Tỷ lệ nhập siêu đã có xu hướng giảm (tháng 6 nhập siêu ước 400 triệu USD trong khi bình quân năm tháng đầu năm là 1,25 tỷ USD); nhập siêu sáu tháng đầu năm 2011 thấp hơn chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (không quá 16%). 

Giá cả nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản tăng đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: Internet
Giá cả nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản tăng đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu.
Ảnh: Internet

Giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2010, nhất là các mặt hàng lương thực, nông sản. Cụ thể, giá XK bình quân nhân điều tăng 39,8%, giá cà phê tăng 51,9%, giá hạt tiêu tăng 64,1%. Giá gạo tăng 13,8%, giá cao su tăng 57,7%, giá dầu thô tăng 47,8%, giá than đá tăng 19,4%...

Trong những tháng cuối năm 2011, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và những dấu hiệu tích cực từ sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển. Điều này có thể tạo thêm nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam, nhất là hoạt động XK đến các thị trường lớn và truyền thống này. Giá cả một số mặt hàng có dấu hiệu giảm (chủ yếu là nguyên liệu đầu vào) sẽ có tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát trong nước.

Về tình hình kinh tế trong nước, khu vực công nghiệp tiếp tục đạt tăng trưởng nhanh, cao hơn chỉ tiêu QH thông qua. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh, nhưng với sự nỗ lực của cả nước sản xuất nông, lâm nghiệp sẽ duy trì kết quả khá.

Các giải pháp, chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã ban hành tiếp tục đi vào đời sống và có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, XK. Định hướng lại ưu tiên cho vay các nguồn vốn, tín dụng phát triển cũng là điểm nhấn quan trọng, tạo cơ hội thuận lợi cho mở rộng và tiếp cận các nguồn vốn và động lực phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt trong sản xuất, XK, phát triển công nghiệp phụ trợ và sản xuất nông nghiệp... thuộc danh mục ưu tiên hỗ trợ phát triển mà Chính phủ đã đưa ra.

Lãi suất đang có xu hướng giảm do giá cả thị trường giảm, các cân đối và tỷ giá ngoại tệ đang đi dần vào ổn định. Tỷ giá và thị trường ngoại hối đã bước đầu ổn định nhờ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động XK vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những tác động bất ổn từ nền kinh tế toàn cầu. Việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát cũng gây khó khăn nhất định cho các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ trong việc vay vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Khả năng cạnh tranh của hàng hóa XK của Việt Nam còn thấp do một số nguyên nhân: Lãi suất cho vay vẫn ở mức cao so với mặt bằng trong khu vực và trên thế giới làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của hàng hóa XK. Nhiều mặt hàng gia công, XK còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong khi tiến độ thực hiện các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu, phát triển công nghiệp phụ trợ còn chậm. Tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động tay nghề cao gia tăng. Ngoài ra, chi phí nhân công có xu hướng tăng nhanh cũng đang khiến hàng sản xuất tại Việt Nam đang mất dần lợi thế có giá nhân công rẻ. Cùng với đó là những rào cản bảo hộ mới ngày càng tinh vi của các nước nhập khẩu, như áp dụng các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về môi trường, áp dụng thuế chống bán phá giá...

Mục tiêu của năm 2011 là tăng trưởng XK hàng hóa đạt hơn 10% so thực hiện năm 2010; nhập siêu hàng hóa không vượt quá 16% so với tổng kim ngạch XK.

Để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu trên, Bộ Công thương xác định một số định hướng điều hành XK sáu tháng cuối năm 2011. Đó là, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, XK đã nêu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch điều hành xuất nhập khẩu năm 2011 của Bộ Công thương. Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường XK, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo các cam kết quốc tế, nhất là các FTA đã ký kết để gia tăng XK. Tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, đồng thời quan tâm phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á, Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ la-tinh. Đa dạng hóa mặt hàng XK, rà soát lại diện hàng hóa XK, phát hiện và phát triển thêm các mặt hàng XK mới có tiềm năng để tìm các biện pháp hỗ trợ, đẩy mạnh XK. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường. Kịp thời thông báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, XK về các loại rào cản của các nước nhập khẩu nhằm đẩy mạnh hoạt động XK, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho DN khi thực hiện các hợp đồng XK. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ kinh doanh, hộ nông dân và có các giải pháp phù hợp để đẩy mạnh sản xuất và XK các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng tiềm năng và các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao./.

Theo: nhandan.org.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com