Trong 6 tháng đầu năm nay các doanh nghiệp ngành dệt may trên địa bàn tỉnh tiếp tục lâm vào tình trạng khan hiếm lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp dệt may lớn của tỉnh đều đóng tại các KCN, trong đó chủ yếu là KCN Hoà Xá (TP Nam Định). Trong số 96 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN của tỉnh, chỉ có khoảng 15 doanh nghiệp dệt may nhưng lại chiếm tới trên 1 vạn lao động, bằng 60% tổng số lao động tại các KCN. Đồng chí Vũ Quang Tùng, Trưởng phòng Quản lý lao động - doanh nghiệp (Ban Quản lý các KCN của tỉnh) cho biết: “Bình thường, sau Tết âm lịch đến giữa năm, các doanh nghiệp sẽ có nhiều lao động đến xin việc. Riêng ngành dệt may từ đầu năm đến nay số lao động giảm”. Hiện nay các doanh nghiệp đang rất cần lao động. Cty TNHH May Youngone cuối năm 2009 có trên 11 nghìn lao động, năm 2010 có 8,2 nghìn lao động, hiện nay chỉ còn khoảng 7,5 nghìn lao động, dù đang tuyển dụng liên tục. Cty TNHH Young Smart Shist có lượng lao động tại xưởng I trên 1.000 lao động hiện nay mới có khoảng 800 lao động làm việc. Xưởng II vừa hoàn thành phần thô, lắp đặt đạt 14 tỷ đồng nhưng chưa biết tìm cách nào để tuyển được thêm trên 1.000 lao động nữa. Cty TNHH May Garnet Nam Định, Cty TNHH Thuỷ Bình, Cty TNHH D.F.Zin… đều có số lao động thấp hơn so với nhu cầu thực tế của các dây chuyền sản xuất… Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp dệt may tại KCN Hoà Xá liên tục thông báo tuyển dụng lao động và sử dụng biện pháp tăng lương để thu hút lao động nhưng số lao động tuyển dụng được vẫn không đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã tìm hướng đầu tư xây dựng xưởng sản xuất tại các huyện để tuyển dụng lao động…
Do không tuyển dụng đủ lao động, nhiều chuyền may của Cty May Nam Định thiếu công nhân. |
Ở các CCN địa phương và các doanh nghiệp dệt may nhỏ lẻ, tình trạng thiếu lao động cũng đang diễn ra, dù mức độ không gay gắt bằng ở các KCN. Anh Phạm Văn Tiến, chủ một cơ sở may gia công ở phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) cho biết: “Trước đây chủ chọn thợ, bây giờ thợ may có tay nghề làm đâu cũng được trả công xứng đáng. Vừa qua cơ sở có một đơn hàng lớn, tìm không được công nhân nên đành phải trả lại!”… Những dấu hiệu trên sẽ dễ tạo ra suy nghĩ nghề thợ may đến thời kỳ “lên ngôi”, công nhân may đến lúc được chọn nơi làm việc có thu nhập bảo đảm, song thực tế không phải như vậy (!). Nguyên nhân sâu xa là người lao động trong nghề may hiện nay không thể ổn định cuộc sống bằng nghề. Chị Ngô Thị Phú, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) cho biết: “Năm nay các Cty may có trả lương cao hơn nhưng thu nhập tối đa cũng chỉ được đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. So với giá cả bây giờ thì mức lương ấy chỉ đủ chi tiêu tằn tiện. Tôi làm nghề may đã 4 năm nhưng cũng tính phải bỏ để tìm công việc khác dễ sống hơn!”. Chị Phạm Thị Thu, xã Hải Trung (Hải Hậu) cho biết đã làm công nhân may hơn 3 năm tại Thành phố Nam Định nhưng chưa tiết kiệm, dành dụm được gì, sắp tới sẽ về quê vì có mấy Cty may mở cơ sở sản xuất ở Hải Hậu.
Không chỉ thu nhập thấp, theo phản ánh của người lao động thì tình trạng thiếu lao động của ngành dệt may còn do chính thái độ ứng xử thiếu tôn trọng người lao động của các chủ doanh nghiệp. Chị Lê Thị Lan, công nhân tại Cty TNHH May Youngone cho biết: "Tôi đã chuyển Cty đến 4 lần chỉ muốn ổn định công việc, nhưng ở đâu cũng vậy, sau khi nhận việc là Cty liên tục ép tăng ca, tăng giờ. Không muốn cũng không được vì Cty nào cũng trả lương 8 tiếng quy định rất thấp rồi dùng quỹ thưởng, giờ làm thêm, phạt để ép công nhân tăng ca. Ở nhiều doanh nghiệp, công nhân cứ đều đặn cả tuần 7h sáng vào làm việc đến 9h tối về, với hơn 10 tiếng ngồi làm trên chuyền thì ra khỏi Cty cũng chẳng còn sức để làm việc gì nữa”. Không dừng ở đó, người lao động, nhất là lao động ở các doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư của nước ngoài và doanh nghiệp lớn cho biết, chủ doanh nghiệp có thái độ rất coi thường người lao động. Đã xảy ra nhiều trường hợp cán bộ, chuyên viên nước ngoài chửi mắng, thậm chí đánh đập công nhân may. Đây cũng là số doanh nghiệp mà khi cần, khi có đơn hàng lớn thì tìm mọi cách, thậm chí dùng cả biện pháp cạnh tranh không lành mạnh như vận động, lôi kéo, trả lương cao để giành giật lao động đang làm việc cho đơn vị khác. Nhưng, khi xong hợp đồng lại tìm cách sa thải người lao động. Tháng 9-2010, Ban Quản lý các KCN của tỉnh đã họp với 13 doanh nghiệp dệt may trên địa bàn để cảnh báo, nhắc nhở vấn đề này… Bên cạnh đó, ở các doanh nghiệp, cơ sở dệt may nhỏ lẻ, người lao động lại khó có thể bình ổn được cuộc sống vì bị phụ thuộc vào thị trường và một số doanh nghiệp lớn. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng thường xuyên trốn tránh trách nhiệm bảo đảm các quyền lợi về BHXH, BHYT, khen thưởng, phúc lợi đối với người lao động.
Những vấn đề nêu trên đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động ngành dệt may. Trong bối cảnh, tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm ở tỉnh ta còn rất lớn, ngành dệt may vẫn là một ngành trọng điểm để giải quyết việc làm. Vì vậy, những tồn tại đang xảy ra cần sớm được khắc phục. Trước mắt, Ban Quản lý các KCN của tỉnh và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phải thường xuyên nhắc nhở, xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp dệt may vi phạm Bộ luật Lao động về tiền lương, giờ làm, chế độ quyền lợi chính đáng của người lao động. Và từ những ảnh hưởng do người lao động bỏ việc, các doanh nghiệp dệt may cần phải có sự thay đổi về hành vi, ứng xử với người lao động. Chỉ khi người lao động có đời sống ổn định, gắn bó, hết lòng phấn đấu cho công việc mới tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Hoàng Long