Vẫn chưa triệt để tiết kiệm

09:07, 14/07/2011

Dù mới đây Cục Điều tiết Điện lực đã đưa ra bản phân tích đánh giá tình hình cung ứng điện những tháng cuối năm theo chiều hướng tích cực, nhưng phải nhìn vào thực tế thiếu điện cho phát triển kinh tế vẫn đang là bài toán khó. Việc tăng giá điện hồi đầu năm được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để các doanh nghiệp tìm mọi cách tiết kiệm điện, nhưng thực tế lại không đúng kịch bản. Số doanh nghiệp tham gia tiết kiệm điện triệt để vẫn rất ít, chủ yếu còn lại là thay bóng đèn truyền thống bằng bóng compact tiết kiệm điện năng, cải tiến một phần quy trình sản xuất vào những giờ cao điểm; còn vấn đề cốt lõi là thay đổi máy móc cũ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng nhiều bằng những máy móc thiết bị hiện đại, tiết kiệm điện năng thì rất hiếm.

Công nhân Cty Điện lực Nam Định chuẩn bị vật tư, thiết bị phục vụ công tác PCLB. Ảnh: Xuân Thu
Công nhân Cty Điện lực Nam Định chuẩn bị vật tư, thiết bị phục vụ công tác PCLB.
Ảnh: Xuân Thu
Nói riêng trong ngành công nghiệp, tiềm năng tiết kiệm điện năng là khá lớn. Các tính toán cho thấy, dệt may có thể tiết kiệm từ 5-15%, xi măng từ 10-20%, xây dựng dân dụng và giao thông vận tải có thể tiết kiệm được từ 25-30%... Một nghiên cứu do ABB (doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp động cơ và hệ thống điện có trụ sở chính tại Zurich, Thụy Sỹ) tiến hành gần đây cũng chỉ ra rằng, có tới 60% các nhà sản xuất đã không đầu tư vào cải thiện hiệu quả năng lượng của các loại máy móc và trang thiết bị cơ bản trong 3 năm qua. Có 3 rào cản ngăn các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào việc sử dụng hiệu quả năng lượng. Đó là những nhà điều hành doanh nghiệp đưa ra các lý do không có chính sách tài chính rõ ràng đối với các đầu tư tiết kiệm năng lượng, thiếu thông tin và thiếu các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Hơn nữa, để thay đổi cả một bộ máy vận hành sẽ liên quan đến rất nhiều yếu tố như tài chính doanh nghiệp, đào tạo lại nhân lực, thay đổi hẳn quy trình sản xuất, thêm vào đó là yếu tố mặt bằng... Trong khi đó, ngành Điện không có những chính sách hỗ trợ rõ ràng, thậm chí thẳng thắn tuyên bố nếu doanh nghiệp nào dùng càng nhiều sẽ càng bị nộp tiền điện tăng theo cấp số cộng.

Trong sản xuất, yếu tố lỗ lãi rất quan trọng. Doanh nghiệp phải có những chính sách phát triển dài hạn, nhưng chưa quan tâm nhiều đến yếu tố thay đổi máy móc, thiết bị. Hệ quả là nếu giá điện tăng, lập tức giá sản phẩm cũng sẽ tăng theo và đương nhiên chỉ người tiêu dùng phải “gánh”. Cái này ai cũng nhìn ra!

Theo: giaothongvantai.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com