Trực Ninh tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:07, 25/07/2011

Rút kinh nghiệm sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 (Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm, huyện Trực Ninh chỉ đạo Phòng LĐ-TB và XH và các xã điều tra nắm bắt nhu cầu học nghề của nông dân, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho LĐNT năm 2011. Do đó các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn đã chủ động công tác tuyển sinh, bảo đảm đủ số lượng học viên của các lớp học nghề giúp cho việc khai giảng đúng thời gian quy định. Ngoài chỉ tiêu được giao đào tạo từ nguồn vốn của Đề án, để đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐNT, huyện đã trích ngân sách 300 triệu đồng đào tạo cho gần 200 lao động. Các nghề đào tạo đều là các ngành nghề đang phát triển tại địa phương, có sự gắn kết giữa đơn vị đào tạo và doanh nghiệp, tập trung vào các nghề may, dệt khăn, kéo sợi PE, cơ khí, thêu ren, mây tre đan mỹ nghệ, móc sợi… Cùng với sự quan tâm, khuyến khích đào tạo những ngành nghề trong định hướng quy hoạch phát triển CN-TTCN, ngành nghề truyền thống, các nghề dân dụng cũng được huyện quan tâm để giúp người học có thể phát triển dịch vụ, tạo thu nhập cho bản thân. Các lớp dạy nghề được tổ chức cơ động, linh hoạt tại các địa phương bảo đảm thuận tiện cho người học trong suốt khóa học như: Lớp thêu ren được mở tại xã Trực Mỹ, giúp nhiều chị em được học nghề, nhanh chóng tăng số lượng người làm nghề và tạo cơ hội mở rộng phát triển nghề cho địa phương. Theo kế hoạch, năm 2011 huyện Trực Ninh thực hiện đào tạo nghề cho trên 1.000 LĐNT, trong đó đào tạo theo Đề án 1956 do tỉnh giao là 825 lao động, còn lại là đào tạo cho LĐNT của 7 xã xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành kế hoạch. Các tháng cuối năm, Phòng LĐ-TB và XH huyện tập trung công tác giám sát kiểm tra các lớp học bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả; trong tháng 7 sẽ tập hợp kết quả điều tra, ghi chép biến động lao động của các xã, thị trấn trên địa bàn, nắm chắc thực trạng cung, cầu lao động trên địa bàn huyện để có các kế hoạch giải quyết việc làm phù hợp. Nếu được bổ sung kế hoạch đào tạo theo nguyện vọng, năm 2011 huyện Trực Ninh sẽ có thêm hơn 1.000 lao động có tay nghề; trong đó số lao động chắc chắn có việc làm chiếm trên 80%./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com