Trực Chính phát triển ngành nghề

08:07, 08/07/2011

 

Nghề dệt truyền thống của xã Trực Chính (Trực Ninh) thường xuyên thu hút khoảng 800 lao động ở địa phương.
Nghề dệt truyền thống của xã Trực Chính (Trực Ninh) thường xuyên thu hút khoảng 800 lao động ở địa phương.

Xã Trực Chính (Trực Ninh) có 3 HTX dệt gồm Vạn Diệp, Bình Định và Hoàng Anh với 384 thành viên và nhiều hộ làm nghề, thu hút khoảng 800 lao động. Sản phẩm truyền thống của làng nghề là các loại khăn mặt, khăn tắm phục vụ tiêu dùng nội địa. Những năm gần đây, các cơ sở sản xuất, các hộ làm nghề trong xã đã đổi mới quy trình sản xuất, đầu tư máy dệt theo hướng bán tự động, thay thế khung dệt cũ khổ hẹp sang khung khổ rộng với tốc độ dệt nhanh, tăng năng suất từ 6kg lên 20kg sợi/ngày/máy, bảo đảm chất lượng sản phẩm đều, đẹp. Nhiều cơ sở sản xuất hộ gia đình ký hợp đồng với Cty CP Dệt may Sơn Nam gia công khăn bông, khăn màn, gạc phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Cty TNHH Lương Anh, Cty TNHH Vĩnh Giang đóng trên địa bàn huyện ký hợp đồng thu gom, bao tiêu sản phẩm cho làng nghề. Để đa dạng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu thị trường, trong năm 2010, các cơ sở sản xuất trong xã đã đầu tư thêm 200 máy dệt các loại và 53 máy may công nghiệp phục vụ việc may gia công các loại quần áo bảo hộ lao động, thể thao, màn… cho các Cty dệt may ở trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, trên địa bàn xã đã thành lập 2 tổ hợp may chuyên may quần áo thể thao xuất khẩu của gia đình ông Đinh Văn Tuấn, xóm An Ninh và ông Đinh Văn Doãn, xóm An Bình. Gia đình ông Mai Thanh Sơn, xóm An Bình có truyền thống làm nghề dệt, trước xu thế phát triển mạnh của làng nghề, ông đã thành lập cơ sở sản xuất với gần 100 máy dệt, thu hút hàng trăm lao động với mức thu nhập trung bình từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, ông mở thêm xưởng may màn, quần áo thể thao, quần áo BHLĐ tại CCN của xã với diện tích trên 4.000m2. Cùng với sự nỗ lực của các hộ dân, Đảng ủy, UBND xã đã có cơ chế tạo điều kiện vay vốn; dành quỹ đất để các hộ mở rộng nhà xưởng sản xuất; hỗ trợ nhân dân đầu tư cải tiến máy dệt… Hiện tại, xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại xóm 3, rộng gần 0,5ha và tiếp tục quy hoạch thêm 2 khu vực với diện tích 1ha để mở rộng nghề may. Nhờ tích cực phát triển các nghề truyền thống, mở thêm nghề mới, năm 2010 giá trị sản xuất CN-TTCN của xã đạt trên 28 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57% trong cơ cấu kinh tế của xã.

Bên cạnh việc thúc đẩy ngành nghề phát triển, xã Trực Chính chú trọng việc đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Xã đã phối hợp với Trung tâm Huấn luyện chuyển giao kỹ thuật (Hội Làm vườn Việt Nam) mở 2 lớp trung cấp nghề nuôi thủy sản và 1 lớp sơ cấp kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 130 lao động nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, xã chuyển đổi hơn 20ha thùng đào, thùng đấu ven đê ở các xóm An Thành, An Thịnh, An Bình, An Định thành vùng nuôi thủy sản tập trung, đầu tư xây dựng đồng bộ từ hệ thống đường giao thông, đường điện đến hệ thống thủy lợi… với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Vùng nuôi thủy sản tập trung nuôi các loại cá truyền thống bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 đến 1,8 lần so với cấy lúa, góp phần đưa giá trị thu nhập bình quân trên 1ha canh tác của xã lên 85 triệu đồng/năm. Trực Chính đã trở thành xã đa nghề với mức thu nhập bình quân 14 triệu đồng/người/năm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com