Triển khai quy hoạch phát triển nông nghiệp, thúc đẩy kết quả xây dựng nông thôn mới

07:07, 28/07/2011

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp hợp lý là nền móng phát triển kinh tế, là cơ sở để xây dựng thành công nông thôn mới. Đó là lý do để tiêu chí quy hoạch nói chung, trong đó có quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp được xếp vị trí đầu tiên trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhưng xây dựng quy hoạch đã khó, công tác triển khai thực hiện còn khó hơn, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của địa phương và mỗi người dân…

Đã hoàn thành quy hoạch

Tỉnh ta có 209 xã, thị trấn có hoạt động nông nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2020. Công tác quy hoạch nông thôn, trong đó, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã đến năm 2020 là yêu cầu đòi hỏi thực hiện sớm nhất nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tạo chuyển biến để nâng cao thu nhập, mức sống cho nhân dân nông thôn, không chỉ là nền móng để phát triển địa phương mà còn tạo sự tin tưởng trong nhân dân về chủ trương xây dựng NTM. Chính vì vậy, khi triển khai xây dựng NTM, tỉnh ta đã tập trung cao độ cho công tác xây dựng quy hoạch sản xuất nông nghiệp và các quy hoạch nông thôn. Ngay sau khi tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng  nông thôn ở 209 xã, thị trấn, UBND tỉnh đã cấp kinh phí cho các xã triển khai xây dựng các quy hoạch cấp xã, trong đó việc đầu tiên là tập trung xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Không chỉ dừng lại ở việc cấp kinh phí (tổng kinh phí đầu tư cho thực hiện quy hoạch cấp xã đến nay là 27,63 tỷ đồng, riêng kinh phí xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp cho mỗi xã là 50 triệu đồng), tỉnh và các huyện đã thẩm định 9 đơn vị tư vấn có đủ năng lực để đảm bảo quy hoạch sát thực và đúng kỹ thuật. Từ giữa năm 2010, cả 209 xã, thị trấn đều thực hiện xây dựng quy hoạch. Theo báo cáo của các xã, thị trấn, quá trình xây dựng các quy hoạch cấp xã, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm thực tế, thiếu hướng dẫn chi tiết của TW về nội dung, quy trình xây dựng quy hoạch. Khó khăn nữa là cả 209 xã, thị trấn đồng loạt xây dựng quy hoạch nhưng số lượng đơn vị tư vấn hạn chế (9 đơn vị) ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Ngoài ra, vấn đề kinh phí cũng khiến các địa phương trăn trở. Kinh phí chi trả cho công tác tư vấn để hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của một xã khoảng 90-100 triệu đồng. Mặc dù, được tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, một số huyện có hỗ trợ thêm nhưng đây cũng là thời điểm các địa phương tập trung ngân sách, huy động sức dân để đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nên khó bù đắp số kinh phí còn thiếu, nhất là đối với các xã khó khăn.

Vượt qua những khó khăn, thách thức, đến nay có 184/209 xã, thị trấn (88%) lập quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đã được UBND huyện phê duyệt, bắt đầu chuyển sang giai đoạn thi công. Có 7 địa phương gồm các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Ý Yên và Thành phố Nam Định đã hoàn thành quy hoạch 100%; trong đó các huyện Giao Thủy và Hải Hậu hoàn thành từ tháng 1-2011. Các xã, thị trấn còn lại đều ở mức cơ bản hoàn thành nội dung đề án, chờ UBND huyện phê duyệt. 

Lãnh đạo xã Lộc An (TP Nam Định) bàn biện pháp thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Lãnh đạo xã Lộc An (TP Nam Định) bàn biện pháp thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Cùng với quy hoạch phát triển nông nghiệp cấp xã, quy hoạch phát triển nông nghiệp cấp huyện và cấp tỉnh cũng được khẩn trương tiến hành nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đến đầu tháng 7-2011, quy hoạch phát triển nông nghiệp cấp huyện đã cơ bản hoàn thành. Ngày 12-7-2011, dự thảo “Đề án quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020” đã được các cấp, các ngành, địa phương và cơ quan chuyên môn đánh giá là: Quy hoạch có chất lượng cao, đưa ra được bộ giải pháp, mục tiêu xây dựng nền kinh tế nông nghiệp Nam Định chuyên canh, hiện đại, giá trị sản xuất cao. Dự kiến đề án sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt vào giữa tháng 8-2011. Rà soát cho thấy quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp 3 cấp đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tập trung thực hiện đúng hướng các mục tiêu về nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Đến giữa tháng 7-2011 có 45/96 xã tham gia xây dựng NTM giai đoạn I (2011-2015) được phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM.

Thực hiện hiệu quả quy hoạch

Công tác quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã đã cơ bản hoàn thành; quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng NTM cũng ở giai đoạn sắp hoàn thành. Vấn đề còn lại để hoàn thành tiêu chí số một trong 19 tiêu chí xây dựng NTM là định hướng gắn kết, thống nhất cả 3 quy hoạch cấp xã theo trọng tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chị Phạm Thị Lan, thôn Lộng Đồng, xã Lộc An (TP Nam Định) phấn khởi: “Nhà tôi có 4 sào ruộng thuộc cánh đồng trũng, năng suất lúa thấp. Theo quy hoạch của xã, các khu ruộng thấp, năng suất kém chuyển sang trồng rau sạch, trồng hoa đã đáp ứng nguyện vọng của nông dân, đồng thời nâng cao thu nhập đảm bảo đời sống”. Theo Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp của xã Lộc An, tổng diện tích đất nông nghiệp hiện nay là 150,2ha, chủ yếu là trồng lúa. Với đặc thù là xã ngoại thành, có thuận lợi trong giao thương, quy hoạch của xã định hướng từ năm 2011 đến 2015 thu lại còn 111,87ha đất nông nghiệp với cơ cấu chuyển dịch mạnh sang hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi hàng hóa có giá trị kinh tế cao gồm 4,32ha trồng rau sạch; 6,91ha trồng hoa, cây cảnh; 8,78ha nuôi thủy sản; còn lại 91,86ha đất trồng lúa, đảm bảo chỉ tiêu và sẽ hướng sang các giống lúa có năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Mục tiêu đặt ra là nâng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 79,6 tỷ đồng năm 2010 lên 155,7 tỷ đồng vào năm 2015 và 205,2 tỷ đồng vào năm 2020. Phần diện tích dư ra sẽ xây dựng các tuyến giao thông nội đồng gồm 8.384m2 của 5 tuyến đường rộng 5m, 3.581m2 đường rộng 3m và để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng ở các thôn như nhà văn hóa, sân thể thao… Tại  xã Hải Lộc (Hải Hậu), do hoàn thành quy hoạch sớm nên vụ xuân 2011 đã thực hiện vùng sản xuất hàng hóa tập trung rộng 120ha thâm canh các giống lúa năng suất, chất lượng cao. 2 vùng chuyên sản xuất giống lúa diện tích 15ha và vùng cây vụ đông 100ha chuẩn bị được đưa vào khai thác. Xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) quy hoạch 120ha phát triển cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, dự kiến đạt giá trị thu nhập/1ha cao gấp hơn 2 lần hiện nay…

Kết quả thực hiện quy hoạch mang tính quyết định đối với toàn bộ quá trình xây dựng NTM cũng như việc giữ vững và phát triển nông thôn sau này. Tại các xã, thị trấn đã hoàn thành quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch đã khó, công tác thực thi còn khó hơn rất nhiều. Tại xã Lộc An, từ tháng 1-2011 đã thực hiện tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng 5 tuyến giao thông nội đồng kẹp máng tại 5 khu cánh đồng của xã. Vấn đề là nguồn kinh phí xây dựng. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân đồng lòng, góp đất xây dựng giao thông nội đồng, công trình phúc lợi, huy động nhân dân chung sức cùng Nhà nước đóng góp kinh phí thi công các công trình hạ tầng, công trình công cộng. Ở các xã quy hoạch chuyển sang cây trồng vụ đông, chuyển đổi đất lúa sang vùng chuyên canh, người dân còn băn khoăn về kỹ thuật thâm canh, nguồn giống và đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm… là những vấn đề đặt ra cần giải quyết cả trước mắt và lâu dài.

Nhiệm vụ xây dựng NTM là trọng tâm, nên dù khó mấy cũng nhất thiết phải thực hiện thành công. Tỉnh đã xây dựng các cơ chế tốt nhất để giúp các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và các quy hoạch để xây dựng NTM thành công. Về vấn đề dồn điền, đổi thửa, ngày 10-7-2011, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng trong tháng 7-2011 phải tiến hành sơ kết dồn điền đổi thửa giai đoạn 1 để triển khai giai đoạn 2 ngay trong năm 2011 với mục tiêu phấn đấu đạt 1 hộ - 1 thửa. Về kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cấp 8-10 tỷ đồng cho mỗi xã, giao cho Kho bạc Nhà nước tỉnh và các tổ chức tín dụng ưu tiên cao nhất đối với các công trình xây dựng NTM. Đối với vấn đề huy động sức dân trong thực hiện góp quỹ đất công, đầu tư xây dựng công trình nông thôn, thực tế cho thấy nhân dân đã nhận thức rõ về hiệu quả của chương trình xây dựng NTM và sẵn sàng góp sức cùng Nhà nước. Sau khi nhân dân xã Trực Nội đóng góp 19ha đất và kinh phí lên tới 58 tỷ đồng, nhân dân xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) góp 1,1ha đất và gần 1,6 tỷ đồng, nhân dân xã Yên Phú (Ý Yên) hiến 0,75ha đất và 2,6 tỷ đồng… Chị Phạm Thị Lan (Lộc An, Thành phố Nam Định) khẳng định: “Gia đình tôi cũng như hầu hết nhân dân Lộc An đều mong các quy hoạch sớm thành hiện thực; nếu cần huy động đóng góp, chúng tôi sẵn sàng ngay!”…

Tại hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 7 (khóa X) diễn ra đầu tháng 7-2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chương trình xây dựng NTM không chỉ là công cuộc đổi mới, nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng nông thôn toàn quốc, đưa sự phát triển của đất nước ta lên một tầm cao mới mà còn là hành động mang tính nhân văn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để trả ơn, đáp nghĩa với tầng lớp nông dân đã kiên gan dũng cảm, chịu thương chịu khó đóng góp sinh mạng, của cải cho dân tộc, đất nước suốt chiều dài các cuộc kháng chiến gian khổ… Mục tiêu, ý nghĩa nhân văn ấy sẽ là động lực để mỗi cá nhân nhận thức đầy đủ trách nhiệm, đóng góp công sức trong thực hiện hiệu quả các quy hoạch cũng như giành thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com