Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra khá trầm trọng và toàn diện ở nguồn nước, không khí và môi trường đất. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, GDP cứ tăng trưởng gấp đôi thì tạo cho môi trường mức ô nhiễm từ 3 đến 5 lần. Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 trước hết là tác động đến hành vi, ý thức của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường phù hợp xu hướng chung của thế giới về phát triển kinh tế bền vững, đồng thời tạo ra khoản thu cho ngân sách Nhà nước tương xứng với nguồn chi phí bảo vệ môi trường hiện nay. Theo thống kê của Chính phủ, mỗi năm tổng thu phí xăng dầu trên toàn quốc khoảng 9.000 tỷ đồng, các khoản phí bảo vệ môi trường (ngoài ngân sách) khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, hằng năm Nhà nước đầu tư 1% tổng ngân sách (4.000 tỷ đồng) cho sự nghiệp bảo vệ môi trường chung, đầu tư gần 18.000 tỷ đồng cho các đề án xử lý ô nhiễm làng nghề, KCN và đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xử lý nước thải, rác thải tại các khu dân cư tập trung. Nếu tính cả đầu tư phục hồi môi trường khai thác khoáng sản, trồng rừng, tái tạo, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thì đầu tư bảo vệ môi trường có nhu cầu gấp nhiều lần khoản thu đang có. Luật Thuế bảo vệ môi trường ra đời có thể đáp ứng cơ bản các chi phí bảo vệ môi trường.
Theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường, đối tượng chịu thuế là người sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm, hàng hoá có ảnh hưởng đến môi trường. Có tổng số 8 nhóm hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có 5 nhóm chính là xăng dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, diêzen, dầu hoả, dầu mazút, dầu nhờn, mỡ nhờn), than đá, dung dịch HCFC (dùng trong công nghiệp làm lạnh, điều hoà không khí), túi ni-lông, thuốc bảo vệ thực vật và nông sản. Khung áp giá thuế được quy định cụ thể: Thuế xăng dầu có mức tối thiểu bằng mức phí hiện hành và thay thế phí xăng dầu, khung xác định thuế tối đa là 4.000 đồng/lít xăng, 2.000 đồng/lít dầu (tương đương 25% giá bán). Mức thuế than tối thiểu 10.000 đồng, tối đa 50.000 đồng/tấn. Túi ni-lông áp thuế 30.000-50.000 đồng/kg. Dung dịch HCFC mức thuế 1.000-5.000 đồng/kg. Thuốc bảo vệ thực vật và nông sản mức thuế 500-3.000 đồng/kg...
Hiện nay, tại tỉnh ta cũng như trên toàn quốc mới chỉ có loại hình kinh doanh xăng dầu chịu phí gây ô nhiễm, tổn hại môi trường đóng góp vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, khoản thu phí xăng dầu toàn tỉnh hằng năm tăng ở mức 14%, tổng thu 5 năm (2006-2010) đạt gần 254 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2011, khoản thu phí xăng dầu đạt gần 53 tỷ đồng. Triển khai thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1-1-2012, tại tỉnh ta, ước tính tổng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Thuế sớm tiếp cận với các văn bản hướng dẫn thi hành luật, phối hợp với các ngành chức năng triển khai hiệu quả Luật Thuế mới trên địa bàn tỉnh. Thời gian chính thức thi hành Luật Thuế bảo vệ môi trường còn chưa đầy 6 tháng; có đối tượng trực tiếp và gián tiếp rộng, tác động đến ý thức, hoạt động tham gia bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền cần triển khai sâu rộng. Trước hết, Cục Thuế tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn toàn tỉnh tuyên truyền đến các đối tượng điều chỉnh của luật; để đạt hiệu quả cao ngay khi triển khai Luật Thuế bảo vệ môi trường vào đầu năm 2012./.