Thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành

07:07, 06/07/2011

Ngày 1-7-2011, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành, nhưng sự minh bạch, tính công khai đang là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm.

 Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), tổng công suất đặt ngày 1-7 là 22.878 MW, trong đó, 55 nhà máy trực tiếp tham gia chào giá với tổng công suất 13.977 MW (chiếm 62%), 7 nhà máy thuỷ điện đa mục tiêu (5.332 MW, chiếm 23%) không chào giá mà do SMO công bố sản lượng, 2 nhà máy điện BOT do Cty mua bán điện chào giá thay (1.480 MW, chiếm 6%) và 12 nhà máy điện chạy dầu, điện nhập khẩu, thuỷ điện nhỏ không tham gia thị trường (tổng công suất 2.809 MW, chiếm 9%). 
Từ 1-7-2011, mô hình thí điểm phát điện cạnh tranh sẽ khởi động.  Ảnh: PV
Từ 1-7-2011, mô hình thí điểm phát điện cạnh tranh sẽ khởi động.
Ảnh: Internet

Ông Ngô Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia - khẳng định, tất cả các thông tin vận hành, điều độ, bảng chào giá của các đơn vị đều được công khai trên trang thông tin của trung tâm. Trước 15 giờ ngày hôm trước, A0 sẽ công bố công suất huy động, giá chào của các nhà máy và danh sách các tổ máy được huy động. Đồng thời, cảnh báo khả năng thiếu công suất có thể xảy ra nếu có sự trục trặc từ các tổ máy. Tất cả các đơn vị liên quan đều có thể truy cập. Kể cả các hoá đơn thanh toán cũng sẽ được công khai để các đơn vị kiểm tra đối chiếu trước khi thực hiện thanh toán thực sự.

Theo quy định, việc thanh toán tiền cho các nhà máy sẽ gồm 2 khoản, trong đó 95% sẽ thanh toán theo hợp đồng, 5% còn lại sẽ thanh toán theo thị trường giao ngay. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại hiện nay bức tranh tài chính của EVN không mấy sáng sủa, trong khi đơn vị mua buôn duy nhất đang trực thuộc EVN. Nếu EVN thanh toán “không sòng phẳng” thì nhà sản xuất cũng không biết làm thế nào. Về vấn đề này, Cục Điều tiết điện lực EVN (ERAV) cho biết, hiện EVN đang được yêu cầu lập một quy trình thanh toán, chuyển tiền nội bộ để đảm bảo tiền chuyển từ các Cty điện lực qua các khâu nhằm phục vụ việc thanh toán thị trường.

Khi tham gia thị trường, các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của thị trường điện, thời điểm trước mắt, giá điện các nhà máy chào bán có thể sẽ không rẻ, thậm chí còn cao hơn. Lý do là giá điện hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo tích luỹ và tái sản xuất cho doanh nghiệp, chưa khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nguồn. Trong khi công suất nguồn toàn hệ thống chưa đủ nên có thể EVN phải tận mua tất cả các nguồn dù giá thấp hay cao.

Mục tiêu lớn nhất của giai đoạn thí điểm là thử nghiệm, tập dượt và đánh giá sự biến động của chi phí khâu phát điện và doanh thu của các nhà máy. Bên cạnh mục tiêu đảm bảo cung cấp điện ổn định, thị trường điện cạnh tranh sẽ nâng cao tính minh bạch, tạo tín hiệu thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, trước mắt, người tiêu dùng chưa bị ảnh hưởng, bởi việc điều chỉnh giá điện bán lẻ hiện nay vẫn do Chính phủ hoặc Bộ Công thương quyết định. Về lâu dài, thị trường điện sẽ khuyến khích đầu tư vào nguồn tốt hơn, hệ thống điện có nguồn dự phòng, nhà sản xuất được quyền lựa chọn khách hàng, người dân được quyền lựa chọn nhà phân phối, đơn vị mua buôn duy nhất được lựa chọn nhà cung cấp thì sẽ có một thị trường điện cạnh tranh hoạt động hiệu quả và khi đó, giá điện sẽ có xu hướng rẻ hơn.

Thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm sẽ kéo dài từ 1-7 đến hết năm 2011. Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng ERAV cho biết, 6 tháng tới, các đơn vị chào giá sẽ chuyển toàn bộ sang mạng WAN để đáp ứng nhu cầu thị trường điện./.

Theo: Công Thương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com