Sản xuất lúa chất lượng cao để nâng giá trị gạo xuất khẩu

08:07, 13/07/2011

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sáu tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 3,912 triệu tấn gạo các loại, đạt trị giá kim ngạch 1,874 tỷ USD, tăng 17,57% về lượng và tăng 24,71% về trị giá so cùng kỳ năm 2010. Với đà này, dự kiến lượng gạo hàng hóa xuất khẩu cả năm 2011 có thể đạt bảy triệu tấn.

Xuất khẩu tăng, chất lượng ổn định

Có được con số xuất khẩu gạo kỷ lục 3,9 triệu tấn trong tình hình diễn biến thị trường lương thực trong nước và ngoài nước liên tục diễn ra những biến động giá cả ngược chiều, mới thấy cố gắng nỗ lực của bốn nhà: nông dân - nhà khoa học - doanh nghiệp - Nhà nước, trong việc sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam. Trong khi theo dự báo, những tháng đầu năm, việc xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị ở Trung Đông, thị trường lớn Phi-li-pin thay đổi chính sách nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong, gần đây thị trường gạo thế giới đã có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho  doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo của Việt Nam. Lượng gạo giao cho thị trường châu Phi tăng 55,88% so dự kiến. Gạo xuất cho các nước châu Á cũng tăng 10,54%. Mới đây, chính phủ Phi-li-pin chuyển hợp đồng cấp chính phủ sang tư nhân với số lượng nhập gạo 660 nghìn tấn, trong đó các DN trong nước đã ký hợp đồng xuất 567 nghìn tấn gạo. Băng-la-đét không chỉ nhập khẩu gạo trắng mà còn nhập khẩu gạo đồ (mặt hàng khá mới của Việt Nam) góp phần giải quyết việc tiêu thụ lúa tươi. Các nước In-đô-nê-xi-a và Trung Quốc đang có kế hoạch nhập gạo với số lượng lớn. I-rắc vẫn nhập thường xuyên mỗi tháng 100 nghìn tấn. Theo VFA, dự kiến cân đối xuất khẩu gạo sáu tháng cuối năm có thể lên đến hơn ba triệu tấn. Như vậy, tổng lượng gạo cả năm có thể xuất khẩu lên đến bảy triệu tấn.

Cũng theo VFA, do chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam ngày càng ổn định nên độ “vênh” giá cả giữa gạo Việt Nam và Thái-lan không xa như trước. Giám đốc Cty Mê Kông (Cần Thơ) Lê Việt Hải cho biết: “Trước đây chất lượng gạo của Việt Nam không bằng gạo của Thái-lan nhưng hiện nay biên độ này đã được thu hẹp nên giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam không còn là trở ngại khi chào bán ở các thị trường ngoài nước”.

Thứ trưởng NN-PTNT Bùi Bá Bổng cũng cho biết: “Năm nay xuất khẩu gạo có khả năng vượt dự kiến đề ra chính nhờ Nhà nước ta thực hiện nhiều chính sách đầu tư về giống, khoa học - kỹ thuật, thủy lợi, phân bón, lãi suất cho vay... cho nông dân nhằm chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống để chuyển mạnh sang sản xuất những giống lúa chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu thụ cả trong nước và ngoài nước”.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Ảnh: Internet

Mới đây, tám thành viên của Tổng Cty Lương thực miền Nam cùng nhau hợp tác đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu lúa đông xuân 2010 - 2011, với gần bảy nghìn ha thu mua được 8.631 tấn. Vụ đông xuân 2011 - 2012, Cty lương thực Long An sẽ đầu tư 500ha lúa chất lượng cao tại Mộc Hóa theo hình thức bao tiêu trọn gói. Nhờ vậy, diện tích đất lúa năm 2010 giảm 380 nghìn ha so năm 2000 nhưng sản lượng tăng mạnh nhờ năng suất nhảy vọt từ 3,18 tấn/ha (bình quân cả nước năm 1990) lên 5,3 tấn/ha, trong đó khoảng 500 nghìn ha vụ đông xuân đạt từ 7 tấn/ha trở lên. Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về năng suất, chiếm 22% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới.

Vẫn còn nhiều biến động

Từ nay đến cuối năm, giá gạo thế giới vẫn còn nhiều biến động bất thường do kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn với những bất trắc khó lường. Thiên tai, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới. Kinh tế trong nước sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động từ tình hình kinh tế thế giới khiến lãi suất, giá tiêu dùng khó giảm. Việc cảnh báo của Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) về khủng hoảng giá lương thực thế giới là có cơ sở, nhưng nguyên nhân chủ yếu không bắt nguồn từ lúa gạo. Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, tổng sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ tăng 10,6 triệu tấn (2,2%) so niên vụ trước, trong khi tổng tiêu dùng chỉ tăng gần 8,9 triệu tấn, nên dự trữ gạo thế giới cuối niên vụ này vẫn tăng 4,5 triệu tấn. Dự báo tổng sản lượng lúa của Việt Nam năm 2011 tăng 2%, đạt 40,7 triệu tấn (27,15 triệu tấn quy gạo). Trong khi đó, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) lại cảnh báo có thể tái diễn cuộc khủng hoảng gạo như năm 2008. Dù trong tám tháng (tính đến tháng 2-2011) giá gạo chỉ tăng 17% nhưng giá lúa mì tăng 121%.

Để việc sản xuất, xuất khẩu cũng như bảo đảm an ninh lương thực trong nước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị các DN cần linh hoạt, chủ động trong hoạt động mua bán và nắm giữ nguồn hàng. Xuất khẩu không hạn chế về số lượng song các DN phải thực hiện nghiêm giá bán. Sắp tới sẽ có thêm nhiều DN nước ngoài và cả trong nước tham gia lĩnh vực xuất khẩu gạo, do đó, cạnh tranh thu mua nguyên liệu sẽ gay gắt hơn các năm trước. Trong khi đó, theo các DN, việc đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gạo theo hướng dẫn của Bộ Công thương đang làm “khó” DN bởi đến nay mới có 7 trong số 211 DN xuất khẩu gạo được cấp giấy chứng nhận trong khi hạn chót để thực hiện quy định này là từ ngày 1-10-2011. Mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật và có lộ trình hoàn chỉnh để DN có thời gian chuẩn bị. Các DN cũng đề nghị hiệp hội nên tiếp tục cho mua tạm trữ một triệu tấn gạo (đợt hai) nhằm chủ động ổn định nguồn nguyên liệu, góp phần bình ổn giá và bảo đảm tiêu thụ lúa gạo trong nước.

Điều quan trọng cần làm ngay nhằm nâng giá trị hạt gạo Việt Nam còn là nâng cao mối liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu giữa các tỉnh vùng lúa một cách chuyên nghiệp, bài bản nhằm tạo ra nhiều mặt hàng mới từ lúa, gạo. Phát triển và tiến tới xây dựng vùng lúa chất lượng cao, quy mô lớn, có thương hiệu riêng, phục vụ xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước. Tích cực nâng cao thu nhập của người trồng lúa gắn với phát triển nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. VFA và các DN hội viên cần xây dựng chiến lược khai thác thị trường trong nước hướng vào tầng lớp dân cư đô thị với thị hiếu gạo phẩm cấp tốt, giá cao./.

Theo: nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com