Sản xuất CN-TTCN tiếp tục tăng trưởng

07:07, 20/07/2011

Trong 6 tháng đầu năm 2011, trong điều kiện kinh tế lạm phát, chi phí đầu vào tăng do giá nguyên liệu, giá điện, nước, xăng, dầu, lãi suất ngân hàng tăng cao...  nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN trong tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng. Giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 4.826 tỷ đồng, tăng 20,4% so cùng kỳ. Các ngành sản xuất chính như: cơ khí, điện tử và gia công kim loại đạt trên 1.256 tỷ đồng, tăng 13,5%; công nghiệp dệt, may, da giầy đạt trên 1.894 tỷ đồng, tăng 20,4%; chế biến thực phẩm, đồ uống đạt trên 337 tỷ đồng, tăng 33,6%; công nghiệp hoá chất đạt gần 259 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2010... Có 28/34 sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn và doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị sản xuất tăng cao. Sản xuất CN-TTCN phát triển đồng đều tại các khu, CCN, làng nghề của các huyện. 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 7 dự án tại các KCN của tỉnh với tổng số vốn đăng ký gần 432 tỷ đồng và 5,5 triệu USD, 2.043 lao động. Từ đầu năm đến nay, có 28 doanh nghiệp mới được thành lập, với số vốn đăng ký 82,5 tỷ đồng. 

Sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp tại Cty TNHH Cơ khí Nhật Việt.
Sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp tại Cty TNHH Cơ khí Nhật Việt.

Đóng góp vào sự tăng trưởng của sản xuất CN-TTCN trong tỉnh là sự tăng trưởng cao của các huyện, thành phố. Trong đó huyện Ý Yên tăng 25,8% so với cùng kỳ, huyện Trực Ninh tăng 24,2%, Thành phố Nam Định tăng 25%, huyện Nam Trực tăng gần 20%, huyện Hải Hậu tăng gần 18%... Dẫn đầu sự tăng trưởng về sản xuất CN-TTCN là khối doanh nghiệp dân doanh, tăng 23,41%, tiếp đến là các hộ cá thể và tổ sản xuất tăng 22%; các doanh nghiệp tư nhân tăng 12,5%... Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh phát triển nhanh, nhờ chú trọng nâng cao trình độ quản lý lao động và đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất tạo ra sản phẩm và thương hiệu có uy tín trên thị trường. Sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh luôn ổn định và phát triển. 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất CN-TTCN ước đạt gần 398 tỷ đồng, tăng 24,2% so cùng kỳ, bằng 50,62% kế hoạch năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 31 nghìn lao động. Huyện Trực Ninh tiếp tục củng cố các doanh nghiệp cơ khí sửa chữa, đóng mới phương tiện vận tải thuỷ bằng việc mở rộng liên doanh, liên kết, cải tiến và đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; khuyến khích thu hút nguồn lực cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật giỏi, công nhân lành nghề đủ điều kiện tiếp cận và làm chủ những công nghệ hiện đại. Tại huyện Nam Trực, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất luôn chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng ngành nghề sản xuất, tạo ra nhiều mặt hàng mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với việc tập trung chỉ đạo, khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, huyện tạo điều kiện cho các ngành nghề truyền thống như cơ khí, dệt may, sản xuất VLXD phát triển. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện ước đạt gần 467 tỷ đồng, tăng gần 20% so cùng kỳ. Ở huyện Hải Hậu, trong 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất CN-TTCN huyện đạt gần 190 tỷ đồng, tăng 17,7% so cùng kỳ. Đồng chí Vũ Thế Dũng, Trưởng Phòng Công thương huyện cho biết: Thực hiện Đề án xây dựng làng nghề tại các xã, thị trấn, đến nay 35 xã, thị trấn trong huyện đều thành lập Ban chỉ đạo phát triển làng nghề. Bước đầu huyện tập trung xây dựng làng nghề điểm tại 11 xã, thị trấn. Ngoài ra, huyện tạo điều kiện cho các CCN tại xã Hải Phương, Hải Minh và Thị trấn Thịnh Long đẩy mạnh phát triển sản xuất. Tại CCN Hải Phương, Cty CP Thương mại Hợp Long thuê 3,4ha đất xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ công nghiệp, tạo việc làm cho trên 200 lao động; Cty CP May Sông Hồng đang xây dựng nhà xưởng, dự kiến thu hút 2.000-2.500 lao động. CCN Hải Minh có 24 doanh nghiệp, hộ thuê đất sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, gỗ dân dụng. CCN Thịnh Long có 3 Cty xin đầu tư sản xuất các mặt hàng chế biến hải sản, các loại sợi PE, may gia công xuất khẩu. Doanh nghiệp Vạn Hoa đã đầu tư sản xuất nước mắm, chế biến sứa. Để đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho các làng nghề, các CCN, các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện Hải Hậu tổ chức mở các lớp dạy nghề, truyền nghề tại các xã, thị trấn... Là địa phương có thế mạnh trong sản xuất CN-TTCN của các làng nghề, huyện Ý Yên luôn tạo điều kiện cho các làng nghề, các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất CN-TTCN  của huyện đạt 638 tỷ đồng tăng 28,5% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên đạt giá trị sản xuất trên 300 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao so cùng kỳ; bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng cao là do có sự chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở và sự chủ động khắc phục khó khăn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Những huyện có tốc độ tăng trưởng cao về sản xuất CN-TTCN đã biết phát huy lợi thế của các làng nghề, ngành nghề và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất trong việc nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, bảo vệ môi trường./.

Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com