Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi lãi suất ngân hàng tăng

08:07, 15/07/2011

I - Nhiều doanh nghiệp gặp khó

Việc huy động lãi suất vượt trần của các ngân hàng đã đẩy lãi suất ấn định cho vay lên đến 20-22% năm, cộng với nhiều loại phí mà các ngân hàng tự đặt ra thì lãi suất thực tế mà các doanh nghiệp phải trả lên đến 25-27% trong thời gian vừa qua đã khiến rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta gặp khó khăn. Theo anh Vũ Mạnh Trường, giám đốc Cty TNHH Hòa Phát, CCN An Xá (Thành phố Nam Định), đơn vị chuyên ngành Xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi và hạ tầng cơ sở, sản xuất, chế biến và mua bán vật liệu xây dựng, vận tải..., từ năm 2009 anh vay Ngân hàng VietinBank 4 tỷ đồng và có đủ nguồn vốn tạo sức phát triển nhanh, mạnh cho Cty. Đặc biệt, các sản phẩm gạch lát nền không nung Terrazzo, Granito, gạch block, gạch màu bóng của Cty được sản xuất bằng dây chuyền công nghệ Italia và sử dụng vật liệu kết dính, hóa chất màu đạt tiêu chuẩn hàng đầu thế giới nên có khả năng chịu lực cao, không bị rêu mốc, đã trở thành sản phẩm chủ lực giúp Cty tạo lập được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và có uy tín trong quan hệ đối tác với các bạn hàng lớn. Sản phẩm của Cty được tham gia, góp mặt vào rất nhiều công trình xây dựng lớn như: Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), các khu đô thị Dương Nội, Văn Phú, Pháp Vân (Hà Nội)… Doanh thu năm 2010 của Cty đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động. Tuy nhiên, đặc trưng của doanh nghiệp xây dựng, xây lắp là: giá trị hợp đồng lớn, thi công kéo dài nên quyết toán chậm, do vậy sang đầu năm 2011 khi ngân hàng tăng lãi suất thì mọi nguồn lãi sau bán hàng đều phải dồn để trả lãi ngân hàng; ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và chăm lo đời sống cho người lao động. Hiện tại, Cty vẫn duy trì hoạt động sản xuất nhưng đã phải cắt giảm nguồn nhân lực đồng thời phải tăng cường tiến độ sản xuất mới đáp ứng đủ lượng hàng đối tác yêu cầu. Nhân lực ít, cường độ lao động cao, thu nhập thấp đã tạo nên rất nhiều áp lực cho người điều hành Cty và áp lực cho cả người lao động; giám đốc đã phải sử dụng đến cả uy tín của bản thân cũng như giá trị tình cảm đã thiết lập lâu năm mới có thể giữ chân đủ số người lao động tối thiểu còn lại để duy trì hoạt động sản xuất của Cty. Theo anh Trần Tiến Thiên, giám đốc Cty Thiện Trường (CCN Thị trấn Xuân Trường), Cty anh đã xin giấy phép thành lập bến cảng nội địa với tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng, quy mô phục vụ bốc dỡ hàng hóa cho các đơn vị của địa  phương và các huyện lân cận như Giao Thủy, Trực Ninh…, góp phần giúp các đơn vị rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa về cơ sở, giảm bớt thời gian, chi phí nếu phải bốc dỡ hàng tại cảng Nam Định. Nhận thấy các lợi ích kể trên cũng như nhu cầu của các đơn vị sản xuất là rất lớn nên Cty đã khẩn trương đầu tư xây dựng được phần kè cảng với tổng vốn là 14 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay ngân hàng tăng lãi suất quá cao nên Cty đã tính toán và nhận thấy khả năng sinh lợi bị suy giảm, lợi nhuận không đủ bù đắp lãi vay, thậm chí thua lỗ ngay sau giai đoạn mới đầu tư nên phải nhanh chóng dừng dự án. Cty CP Dệt may Liên Tỉnh, xã Nam Hồng (Nam Trực), chuyên sản xuất các sản phẩm dệt may theo quy mô khép kín từ dệt, tẩy, may nên tuy quy mô nhỏ nhưng vẫn chủ động đáp ứng được mọi yêu cầu kỹ thuật khắt khe nhất và đã trực tiếp xuất khẩu được sang nước ngoài. Do nhu cầu mở rộng sản xuất nên năm 2010 Cty vay 2 tỷ đồng của Ngân hàng NN-PTNT, tuy nhiên chỉ trong vòng một năm, lãi suất đã tăng gần gấp đôi, thì rất khó để doanh nghiệp có thể ổn định sản xuất. Hiện nay, Cty hoàn toàn rơi vào thế bị động, không tự điều chỉnh được nguồn để trả lãi. Đồng chí giám đốc tâm sự, anh thực sự mệt mỏi vì phải điều hành một Cty mà mọi thành quả sau sản xuất chỉ đủ để lo cho việc trả lãi ngân hàng. Bà Vũ Thị Nhuần, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định cho biết: Trên địa bàn tỉnh ta phần lớn các doanh nghiệp đang tồn tại ở quy mô nhỏ và vừa, bên cạnh đó hầu hết còn mới chuyển ra các khu, cụm công nghiệp, phải huy động thêm vốn xây dựng nhà xưởng, đầu tư, thay thế thiết bị máy móc nên có tới 90% số doanh nghiệp phải đi vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, theo cơ cấu nguồn vốn của hầu hết doanh nghiệp, vốn vay chiếm gần 60% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên các doanh nghiệp chỉ quyết định vay vốn để đầu tư mở rộng nhà xưởng, thay thế máy móc khi cân đối khả năng có thể thích ứng với mức lãi suất cho vay của ngân hàng. Khi ngân hàng đột ngột tăng lãi suất, các doanh nghiệp đang vay vốn để đầu tư những danh mục không có khả năng quay vòng, sinh lời này nhanh chóng rơi vào tình trạng bị động, khó có đủ khả năng chống chọi được mức lãi suất mới. Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng lạm phát và giá cả các loại mặt hàng, nguyên vật liệu tăng cao thì lãi không đủ trả vốn vay, chưa nói gì lợi nhuận. Chỉ tính mức lãi suất trung bình khoảng 20% một năm, nếu vay 40 tỷ đồng, sau 5 năm, chỉ tính riêng tiền lãi ngân hàng, doanh nghiệp đã phải trả đúng 40 tỷ đồng. Trước thực trạng này, ngay trong thời điểm hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp phải co cụm sản xuất và nếu tình trạng này kéo dài có thể nhiều doanh nghiệp phải phá sản. Tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm do UBND tỉnh tổ chức, đại diện lãnh đạo Sở Công thương cũng khẳng định: Việc tăng lãi suất ngân hàng đã gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn ngành Công thương. Rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp, điều chỉnh sản xuất, một số dự án trọng điểm, có tính khả thi cho hiệu quả kinh tế - xã hội cao cũng phải tạm dừng triển khai. Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm ước đạt 4.825,8 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 20,4% nhưng đạt được tốc độ phát triển này phải kể đến “công” của sự tăng giá nguyên vật liệu đầu vào. Theo đó tác động nhìn thấy rõ nhất là hết 6 tháng toàn tỉnh mới chỉ đạt 41% kế hoạch về giá trị sản xuất năm…

Cty CP Dệt may Liên Tỉnh, xã Nam Hồng (Nam Trực) cơ cấu lại hoạt động sản xuất, đáp ứng yêu cầu cung ứng sản phẩm của bạn hàng.
Cty CP Dệt may Liên Tỉnh, xã Nam Hồng (Nam Trực) cơ cấu lại hoạt động sản xuất, đáp ứng yêu cầu cung ứng sản phẩm của bạn hàng.

II - Biện pháp tháo gỡ khó khăn

Trong bối cảnh kênh tín dụng từ ngân hàng gặp nhiều khó khăn, bản thân các doanh nghiệp đều đã rà soát dự án đầu tư, tiết giảm chi phí và tái cấu trúc cơ cấu sản xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều chủ động tính toán, thay đổi định hướng kinh doanh và nguồn vốn; giảm thiểu các chi phí hoạt động, tập trung vốn cho ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; tăng cường liên doanh, liên kết... để tránh rủi ro thị trường lẫn rủi ro về lãi suất. Cty TNHH Hòa Phát đã chủ động tính đến hiệu quả quay vòng vốn nhanh, quyết định phương án tập trung phát huy thế mạnh của mình sản xuất các sản phẩm chính của Cty và tạm dừng dự án sản xuất gạch xây tường không nung. Cty Thiện Trường (CCN Thị trấn Xuân Trường) đã chuyển hướng sang kinh doanh các mặt hàng lâm sản và sản xuất đóng mới đồ gỗ dân dụng, gia đình cũng như phục vụ các công trình xây dựng mới. Để vượt qua giai đoạn khó khăn về nguồn tài chính hiện nay, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đã áp dụng biện pháp dùng uy tín của tổ chức để kêu gọi các doanh nghiệp cùng hỗ trợ lẫn nhau trong huy động vốn để đáo hạn ngân hàng; kêu gọi các doanh nghiệp trong tổ chức ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của nhau nếu đơn vị mình cần sử dụng nguyên liệu sẵn có của đơn vị bạn. Ngoài ra Hiệp hội còn tích cực bám sát việc thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành để giúp các doanh nghiệp thành viên có thể kịp thời tiếp cận hiệu quả mọi sự hỗ trợ… Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn đã chủ động tìm nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài, phát hành thêm trái phiếu và cổ phiếu trên thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ các Cty có triển vọng trong huy động vốn qua thị trường chứng khoán không nhiều. Nhận thấy việc kéo dài lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nên các ngành chức năng cũng đã khẩn trương vào cuộc, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Sở Công thương đã tích cực xúc tiến các điều kiện để có thể sớm tổ chức hội chợ mang tầm cỡ khu vực, quy tụ doanh nghiệp nhiều tỉnh miền Bắc giúp các doanh nghiệp trong tỉnh có điều kiện quảng bá thương hiệu, sản phẩm và thu hút, tiếp cận nhiều đối tác mới. Về phía ngành Ngân hàng cũng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để kéo giảm dần lãi suất xuống, cụ thể như: Ngân hàng Nhà nước đã tích cực yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cơ cấu tín dụng để tập trung vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ. Điều này bước đầu được thực hiện thông qua việc một số ngân hàng thương mại đã công bố kế hoạch “bơm” vốn tín dụng cho khu vực sản xuất. Cụ thể là hệ thống Ngân hàng VietinBank sẽ dành một lượng tiền tương đối lớn cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh công nghiệp phụ trợ của 3 ngành là cơ khí chế tạo, dệt may và da giầy. Theo đó, các doanh nghiệp nên thực hiện các dự án mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư xây dựng mới vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Bên cạnh đó các ngân hàng cổ phần cũng tìm nguồn vốn rẻ, dài hạn từ các định chế tài chính nước ngoài để đảm bảo nguồn cung vốn cho thị trường. Một số ngân hàng còn triển khai các chương trình ưu đãi cho những khách hàng chuyên biệt từng ngành nghề. Tuy nhiên về lâu dài, để xử lý những vấn đề này, theo các chuyên gia kinh tế đầu ngành: cần tạo dựng hàng rào kỹ thuật với quy chuẩn an toàn cao nhằm siết chặt hoạt động ngân hàng, thậm chí để các ngân hàng nhỏ phải sáp nhập lại, nhằm đảm bảo an toàn cho cả hệ thống, tránh tình trạng thị trường trở nên méo mó vì phải cạnh tranh không lành mạnh, không cân sức. Ngoài ra, để giảm mặt bằng lãi suất, nắn dòng chảy vốn tín dụng vào khu vực sản xuất, kinh doanh, phải có sự hợp sức từ phía doanh nghiệp, bằng mọi giá chỉ tham gia sử dụng nguồn vốn vay vào các dự án tốt; chỉ có vậy mới tạo được động lực khơi thông dòng tín dụng một cách lành mạnh nhất cho các ngân hàng. Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn phải tìm mọi cách giảm chi tiêu công nhằm sử dụng vốn hiệu quả. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam hiện nay, chi tiêu công đang chiếm tỷ lệ quá lớn (khoảng 50%) trong tổng vốn đầu tư, trong đó có một lượng nhất định bị thất thoát, lãng phí và được đổ vào thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán, vàng) thay vì đổ vào sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, để đạt kết quả khả quan nhất ngay trong lúc này, các doanh nghiệp cần coi đây là một cuộc thử sức, sàng lọc và sau đó nếu doanh nghiệp nào đủ mạnh sẽ trụ vững, tiếp tục vươn lên khẳng định vị trí và uy tín của mình. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp phải phát huy nội lực, tập trung quản lý, sử dụng khoa học, công nghệ, năng động, phát huy hiệu quả nguồn vốn của mình, với nhiều hình thức như tiết giảm chi phí, tích cực cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com