Lao động, việc làm trong các hợp tác xã phi nông nghiệp

08:07, 25/07/2011

Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX đã khẳng định vai trò của kinh tế tập thể, từng bước đổi mới, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hiệu quả, đặc biệt là trong việc khai thác các tiềm năng về vốn, lao động, kỹ thuật hỗ trợ kinh tế hộ xã viên phát triển, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và đảm bảo đời sống cho hàng ngàn lao động...

HTX Dệt may Hưng Thịnh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) tạo việc làm cho lao động, mức thu nhập đạt 1,2-1,7 triệu đồng/người/tháng.
HTX Dệt may Hưng Thịnh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) tạo việc làm cho lao động, mức thu nhập đạt 1,2-1,7 triệu đồng/người/tháng.

Tỉnh ta hiện có 471 HTX; trong đó có 165 HTX phi nông nghiệp, gồm: 49 HTX CN-TTCN, 39 HTX giao thông vận tải, 41 quỹ Tín dụng nhân dân, 1 HTX xây dựng, 1 HTX thương mại, 1 HTX nước sạch và vệ sinh môi trường, 1 liên hiệp HTX… Các HTX phi nông nghiệp thu hút trên 50 nghìn lao động. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, Liên minh HTX tỉnh xác định phát triển nguồn nhân lực có tính chất quyết định đối với sự phát triển của các HTX nên luôn quan tâm, hướng dẫn các HTX thực hiện chính sách pháp luật về lao động, thực hiện ký hợp đồng lao động, chế độ trả lương, chế độ bảo hiểm và các chính sách khác đối với xã viên và người lao động trong HTX. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ lao động và an toàn lao động của các HTX; hướng dẫn các HTX xây dựng dự án tham gia các chương trình việc làm của Trung ương và của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động; phối hợp với BHXH tỉnh thực hiện quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho cán bộ, xã viên và người lao động hưởng lương trong các HTX. Tuy nhiên, việc thực hiện hợp đồng lao động theo luật trong khu vực HTX phi nông nghiệp còn hạn chế. Đồng chí Vũ Đình Mạc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Đến nay, việc ký kết thỏa ước lao động và hợp đồng lao động đang thực hiện trong các HTX phi nông nghiệp; việc chi trả lương, thưởng trong các HTX còn nhiều bất cập. Đa số các HTX phi nông nghiệp trả lương theo thời gian hoặc theo công việc. Mức lương, thưởng tùy thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh từng thời điểm. Mức thu nhập của người lao động trong HTX dao động 700 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng/người/tháng; có nơi đạt thấp, chỉ 300-500 nghìn đồng/người/tháng. Việc xây dựng thang, bảng lương theo các tiêu chí chưa đồng bộ do công việc và thu nhập thuộc khu vực kinh tế tập thể thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Nhiều công việc có tính chất thường xuyên nhưng mức khoán việc cho một lao động chia theo tháng lại thấp. Do đó, trong hợp đồng HTX ký với người lao động không thể đảm bảo các yêu cầu của Bộ luật Lao động ở một số vị trí: bảo vệ HTX, kiểm soát sản xuất... Vướng mắc, bất cập hiện nay ở các HTX phi nông nghiệp mà Bộ luật Lao động chưa điều chỉnh kịp, Luật HTX còn “vênh” với pháp luật lao động như việc ký hợp đồng lao động với các lao động là xã viên HTX; việc thành lập tổ chức công đoàn trong HTX, thực hiện quyền lợi BHXH, BHYT cho xã viên và người lao động… Anh Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm HTX Dệt may Hưng Thịnh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) cho biết: “HTX muốn thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật nói chung và pháp luật về lao động nói riêng để người lao động yên tâm làm việc nhưng khó khăn của HTX hiện nay là sự phân biệt trong việc tiếp cận các nguồn vốn, thuê đất đai; quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ hẹp, lợi nhuận thấp nên việc thực hiện các quy định về BHXH, BHYT cho xã viên gặp nhiều khó khăn”. Bà Vũ Thị Nhuần, Chủ nhiệm HTX Cơ khí - dịch vụ thương nghiệp Toàn Thắng (TP Nam Định) khẳng định: “Xã viên và người lao động làm việc tại HTX có mức thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng và đều được ký hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp như các doanh nghiệp trên địa bàn. Các tổ chức, đoàn thể được thành lập và hoạt động hiệu quả. Việc thực hiện đầy đủ các quy định về pháp luật lao động trong những năm qua đã góp phần tạo nên sự gắn bó giữa người lao động và HTX”.

Thực tế, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về lao động trong khu vực kinh tế tập thể ở tỉnh ta chưa đồng bộ và sâu rộng; một số cơ quan quản lý Nhà nước nhất là ở cơ sở và các HTX chưa chủ động triển khai. Hầu hết các HTX, xã viên, người lao động chưa được quán triệt và hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lao động, xây dựng chiến lược tuyên truyền đồng bộ, lồng ghép vào các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đồng thời phân loại đối tượng tuyên truyền theo nhóm đối tượng lao động trong khu vực kinh tế HTX; có thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động trong các HTX. Mặt khác, cần sớm thành lập các tổ chức công đoàn tại các HTX phi nông nghiệp. Trong HTX, xã viên vừa là chủ sở hữu, vừa là người lao động làm công, hưởng lương. HTX sử dụng lao động nên xã viên và người lao động có quyền đòi hỏi HTX thực hiện các chính sách về quan hệ lao động nhưng đồng thời cũng phải có trách nhiệm đối với những lao động không phải là xã viên HTX. Trong Bộ luật Lao động năm 2010 chưa có quy định về lao động trong các HTX, chỉ điều chỉnh các quan hệ làm công, hưởng lương (quan hệ hợp đồng lao động). Có nghĩa là người làm việc trong các HTX chỉ được Bộ luật Lao động điều chỉnh nếu có hợp đồng lao động. Trên thực tế, số xã viên tham gia lao động trong HTX rất lớn, đặc biệt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Người lao động tham gia quản lý hoặc trực tiếp sản xuất nhưng đa số không ký kết hợp đồng lao động với HTX. Cơ chế đối thoại, hợp tác tại nơi làm việc đạt hiệu quả thấp; cơ chế đối thoại ba bên chưa có vai trò xứng đáng, đặc biệt ở cấp địa phương, năng lực và tính đại diện của các đối tác xã hội tham gia vào cơ chế đối thoại xã hội ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Để khắc phục tình trạng này và tiến tới mối quan hệ hài hòa, ổn định, cần thực hiện tốt cơ chế phối hợp ba bên ở các cấp, các ngành và địa phương trong quan hệ lao động, thúc đẩy ký kết thỏa ước lao động tập thể cấp ngành, cấp khu vực và tại cơ sở; tạo lập môi trường để người đại diện lao động hoạt động hiệu quả nhằm hỗ trợ cho HTX thực thi pháp luật lao động, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chăm lo lợi ích đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Vấn đề đặt ra là tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về pháp luật lao động, quan hệ lao động nhằm tạo sự ổn định, hài hoà, bình đẳng giữa quyền lợi người lao động và người sử dụng lao động, lợi ích của Nhà nước và xã hội, góp phần tạo điều kiện trong khu vực kinh tế tập thể phát triển. Để làm được việc này, các ngành: LĐ-TB và XH, BHXH, LĐLĐ, Liên minh HTX tỉnh cần phối hợp chặt chẽ cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật lao động khu vực kinh tế tập thể, mà trước mắt là các HTX phi nông nghiệp. Cùng với các chính sách đồng bộ, hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển, Thanh tra lao động các ngành liên quan cần tăng cường và quyết liệt hơn trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Bộ luật Lao động nói chung ở các đơn vị kinh tế, trong đó có HTX, tổ hợp tác có sử dụng lao động thường xuyên từ 10 người trở lên./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com