Khẩn trương sản xuất vụ mùa, vụ đông

07:07, 13/07/2011

Vụ mùa năm 2011, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 80.635ha lúa mùa, năng suất trên 50 tạ/ha. Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở NN-PTNT chỉ đạo các địa phương tăng cường sử dụng giống ngắn ngày, hạn chế sử dụng các giống nhiễm rầy, nhiễm bệnh bạc lá như Bắc thơm số 7, Bắc ưu 903, Bắc ưu 253… Giống lúa lai gieo cấy 35-40% diện tích, tập trung vào các giống ngắn ngày có chất lượng khá như TH3-3, VQ14, TX111, Phú ưu 1… Giống lúa thuần gieo cấy 60-65% diện tích, trong đó có 5-7% diện tích là giống đặc sản. Các giống được sử dụng nhiều: Việt Hương Chiếm, Nam Định 1, Khang Dân 18, Nếp N87, N97, BC15, TBR1, Bắc thơm số 7, Nếp cái hoa vàng… Do vụ xuân thu hoạch chậm 15-20 ngày nên diện tích gieo mạ dược cho vụ mùa hạn hẹp trong khi yêu cầu thời vụ khẩn trương nên các địa phương phải tận dụng tối đa diện tích gieo mạ nền để cấy cho các chân ruộng vàn trung bình và vàn cao; gieo mạ dược để cấy chân vàn thấp và trũng. Đối với lúa đặc sản phải gieo mạ dược từ đầu tháng 6 trên các chân đất tận dụng.

 

Xã viên Đội 2, HTX Nam Cường (Nam Trực) chăm sóc mạ mùa.
Xã viên Đội 2, HTX Nam Cường (Nam Trực) chăm sóc mạ mùa.

Tại xã Việt Hùng (Trực Ninh), khi lúa các cánh đồng liền kề còn đang gặt, chúng tôi đã thấy nhiều thửa mạ đã lên xanh. Chị Nguyễn Thị Thoa, một nông dân đang chăm sóc mạ cho biết: “Đây là giống lúa Việt Hương Chiếm trà trung sớm. Gia đình tôi sau khi gặt xong lúa xuân đã tập trung làm đất để kịp thời vụ cấy lúa mùa”. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tích cực chăm bón cho mạ, phun thuốc trừ rầy 2-3 ngày trước khi nhổ mạ để cấy. Đến ngày 11-7-2011 toàn tỉnh đã gieo được 6.568ha mạ, bằng 81% kế hoạch. Các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực đạt 100% kế hoạch. Huyện Nghĩa Hưng mới đạt 70%, huyện Xuân Trường đạt 41% kế hoạch gieo mạ. Cùng với gieo mạ, các địa phương đang khẩn trương làm đất. Ở đội 3 HTX Liêm Hải (Trực Ninh), toàn bộ diện tích của các hộ sau khi gặt xong thuê máy bừa có công suất lớn bừa một lượt, nhấn chìm gốc rạ, trước khi cấy bừa kỹ và xử lý sạch đồng ruộng. Huyện Nam Trực có trên 450 máy cày nhỏ, 25 máy cày lớn, trong điều kiện làm đất khẩn trương huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức ký hợp đồng với các chủ máy, làm tăng ca, phát huy tối đa công suất máy cho kịp thời vụ. Cty KTCTTL Nam Ninh đã hoàn tất việc tu sửa máy móc, cống đập, khơi thông dòng chảy, lên lịch lấy nước cụ thể. Đến nay, việc làm đất còn chậm do bà con vẫn chờ rạ khô, đốt xong mới làm đất. Đến ngày 11-7-2011, diện tích cày đất toàn tỉnh đạt 39.175ha, bằng 49% kế hoạch. Huyện Vụ Bản cày được 6.000ha, bằng 67%; huyện Mỹ Lộc cày 2.000ha, bằng 55%; huyện Hải Hậu cày 7.100ha, bằng 65%. 2 huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng mới cày được 16-20% diện tích. Thời gian cấy lúa mùa khoảng 20 ngày, vì vậy các xã, HTX cần chỉ đạo bà con xã viên tranh thủ cấy ngay những diện tích đã đủ điều kiện. Để tăng năng suất, chất lượng, giảm công lao động… các xã, HTX cần vận động xã viên tăng diện tích gieo sạ ở những vùng chủ động được tưới, tiêu nước. Theo hướng dẫn của Sở NN-PTNT, sau khi cấy, các hộ nông dân phải giữ mực nước ngập chân mạ khoảng 3cm và chủ động chống úng khi có mưa bão. Trong quá trình chăm sóc, tập trung sử dụng phân hỗn hợp NPK và tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ để bón lót, bón cân đối, bón sớm, bón gọn (tập trung lượng phân cho bón lót và bón thúc lần 1, sau đó chỉ bổ sung bón phân ở những diện tích lúa xấu). Tuyệt đối không lạm dụng phân đạm, không bón phân đạm muộn, bón tăng 25% lượng phân lân. Các địa phương cần rà soát, củng cố mạng lưới bảo vệ thực vật; tập trung chỉ đạo thâm canh cân đối; làm tốt công tác dự tính, dự báo; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”, không để các đối tượng sâu bệnh, nhất là sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy phát sinh thành dịch. Vụ mùa gieo cấy trong điều kiện thời tiết nóng nắng, thuận lợi cho rầy phát sinh và truyền bệnh. Để phòng bệnh, cần xử lý hạt giống bằng thuốc 5FS khi ngâm ủ, triệt để trừ rầy di trú cho mạ. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, xác định chính xác thời điểm phát sinh của các lứa rầy, mật độ rầy để phun trừ vào thời điểm hiệu quả.

Sản xuất vụ đông năm nay sẽ khó khăn do diện tích lúa mùa sớm ít nên phải tận dụng tối đa diện tích đất 2 vụ lúa chân cao, đất thịt nhẹ thuận lợi cho tưới tiêu nước. Mở rộng diện tích cây trồng không yêu cầu thời vụ sớm trên những diện tích chân cao, tập trung sản xuất các loại cây hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao như cải dầu, bí xanh, khoai tây, rau ngắn ngày, trồng đậu tương, ngô trên những diện tích được giải phóng trước 30-9. Vùng màu thực hiện đa dạng cây trồng, trồng quay vòng 2-3 lứa các cây rau đậu ngắn ngày, sản xuất các cây rau quả truyền thống phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu như khoai tây, cải ngọt, đậu đỗ…

Khẩn trương sản xuất vụ mùa, vụ đông trong điều kiện tốt nhất với các giải pháp đồng bộ, tích cực bảo vệ lúa, màu, nhất định tỉnh ta lại có một vụ mùa bội thu./.

Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com