Lắp đặt máy quạt nước tạo ôxy cho đầm tôm tại gia đình ông Cao Văn Ba, xã Giao Phong (Giao Thủy). |
Vụ nuôi tôm năm nay, các địa phương trong tỉnh đã xuống giống 3.559ha, trong đó có 3.394ha nuôi tôm sú và 165ha nuôi tôm he chân trắng. Để đảm bảo giành thắng lợi, Sở NN-PTNT đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các huyện rà soát, bổ sung và thực hiện tốt quy hoạch vùng nuôi; quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và cung ứng con giống; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình nuôi như: Cải tạo, vệ sinh ao, đầm tạo môi trường ổn định, kiểm soát nguồn nước đảm bảo không có mầm bệnh; lựa chọn con giống khoẻ, sạch bệnh ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, được kiểm dịch trước khi thả; tuân thủ mùa vụ thả nuôi và chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh trong quá trình nuôi… Rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi trước, vụ tôm năm nay, Sở NN-PTNT chỉ đạo các vùng nuôi chỉ xuống giống tôm sau tiết thanh minh để tránh những diễn biến bất thường của thời tiết, đồng thời thực hiện kiểm định bắt buộc nhằm loại bỏ các mầm bệnh đốm trắng, đầu vàng và bệnh taura đối với giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng trước khi đưa vào nuôi. Các hộ nuôi thực hiện các biện pháp chăm sóc đặc biệt cho đàn tôm trong tháng đầu xuống giống, vì đây là thời điểm có tính chất quyết định đối với sức đề kháng của tôm; theo dõi và thường xuyên báo cáo tình hình dịch bệnh trên đàn tôm. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành lấy mẫu tôm giống, tôm bố mẹ, tôm thương phẩm để kiểm soát dịch bệnh trên đàn tôm và có biện pháp xử lý kịp thời. Do đó đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm. Hiện tại, các vùng nuôi trong tỉnh chưa thấy dấu hiệu dịch bệnh trên đàn tôm, trừ hiện tượng tôm chết xuất hiện rải rác ở một số diện tích nuôi quảng canh tại khu vực Cồn Xanh (Giao Thủy) do thời tiết nắng nóng kéo dài và độ mặn trong nước cao.
Bên cạnh sự hỗ trợ của ngành NN-PTNT, các hộ nuôi trong tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: Ứng dụng nuôi tôm theo quy trình GAqP, sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc thú y thủy sản thay cho việc lạm dụng kháng sinh trong xử lý môi trường và dịch bệnh trên đàn tôm như trước đây. Các hộ nuôi còn tự nguyện tham gia vào tổ hợp tác, cùng thống nhất những quy tắc chung bảo vệ môi trường vùng nuôi; hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật, con giống, xử lý dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Công tác quy hoạch các vùng nuôi được các huyện chú trọng. Huyện Giao Thủy đã quy hoạch 176ha chuyên nuôi tôm thuộc các vùng Giao Phong, Bạch Long, Tân Hồng (Giao Thiện); Nông trường Bạch Long... Với trình độ thâm canh cao, các hộ nuôi tôm đã sử dụng kết hợp giữa máy tạo ôxy đáy ao và quạt nước trên mặt ao làm giảm phân tầng trong ao về nhiệt độ, độ mặn, tăng lượng ôxy trong nước; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng khu sát khuẩn, tạo vùng cách ly giữa môi trường xung quanh với vùng nuôi. Trong vùng nuôi tôm thường xuất hiện chim trời sà xuống kiếm ăn và là tác nhân mang mầm bệnh và lây nhiễm các dịch bệnh; các hộ nuôi đã dùng lưới để ngăn chặn tình trạng chim di trú bắt tôm. Ông Cao Văn Ba - người có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi tôm ở xã Giao Phong cho biết: Con tôm vốn nhạy cảm với thời tiết nên việc tuân thủ quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi từ vệ sinh ao đầm, chọn con giống, chăm sóc, phòng bệnh và bảo vệ môi trường ao nuôi là điều kiện tất yếu quyết định thành, bại của một vụ tôm. Với 5ha nuôi tôm công nghiệp được đầu tư đồng bộ, dự tính gia đình ông sẽ thu trên 70 tấn tôm thương phẩm bán tại thị trường nội địa và Trung Quốc.
Với sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện nuôi, thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi, dự tính vụ nuôi tôm chính vụ năm nay ở tỉnh ta sẽ giành thắng lợi cả về năng suất và sản lượng ước đạt trên 2.600 tấn tôm các loại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương