Hiệu quả từ mô hình “Cộng đồng quản lý rầy và các bệnh vi rút do rầy môi giới lây truyền"

08:07, 01/07/2011

Những năm gần đây, các đối tượng dịch hại diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh, trong đó, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh với mật độ cao trên diện rộng, kéo theo bệnh lùn sọc đen (LSĐ) xuất hiện, gây hại nặng cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Mặc dù mới xuất hiện ở tỉnh ta vào vụ mùa năm 2009 nhưng quy mô ảnh hưởng của bệnh LSĐ rất lớn với diện tích 17.556ha lúa, trong đó có 8.093ha mất trắng và tiếp tục lây truyền ra những vụ sau. Nhằm hạn chế thiệt hại do rầy gây ra cũng như kiểm soát, khống chế sự lây lan của rầy và các bệnh virút do rầy môi giới lây truyền, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã triển khai thực hiện mô  hình "Cộng đồng quản lý rầy và các bệnh vi rút do rầy môi giới lây truyền".

Chi cục BVTV tỉnh đã chọn xã Hải Ninh (Hải Hậu) làm điểm để xây dựng mô hình trên diện tích 10ha, cấy các giống lúa: Bắc thơm 7, Nàng xuân, Nếp 97 theo phương pháp cải tiến với 40 hộ nông dân tham gia, trong đó có 30 hộ trong mô hình và 10 hộ ngoài mô hình để đối chứng. Các hộ nông dân tham gia mô hình được tập huấn về chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và kỹ thuật canh tác lúa sinh thái; điều tra, phân tích hệ sinh thái, mật độ rầy, các bệnh thường gặp do vi rút truyền nhiễm, các biện pháp tác động và cùng cán bộ kỹ thuật của Chi cục thiết kế các thí nghiệm ngay tại ruộng. Phương pháp thực hiện áp dụng theo hình thức bố trí bẫy đèn, theo dõi số lượng rầy vào đèn và tiến hành đồng thời 4 thí nghiệm: Che màn cho mạ trên diện tích 1.500m2; áp dụng bón lượng phân đạm theo các công thức khác nhau trên diện tích 720m2; xử lý hạt giống trước khi gieo cấy và theo dõi triệu chứng bệnh LSĐ ở từng giai đoạn. Sau 11 kỳ điều tra, thu thập và đối chứng số liệu, mô hình đã thu được kết quả: Ruộng trong mô hình áp dụng biện pháp tổng hợp, thâm canh lúa cải tiến, quản lý rầy ngay từ đầu vụ giúp cây lúa khoẻ, đẻ nhánh tập trung, dảnh to, ít dảnh vô hiệu, nhiều bông, năng suất tăng, tiết kiệm được 2kg phân đạm/sào, lượng thuốc BVTV giảm cả ở số lượng và số lần phun. Các đối tượng thiên địch như nhện, bọ rùa, bọ xít… có xu hướng tăng dần về cuối vụ nhưng giảm nhanh sau khi xử lý. Mô hình đã quản lý được đối tượng rầy và hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng ngay từ đầu vụ và giai đoạn đẻ nhánh, góp phần hạn chế đáng kể bệnh LSĐ trên lúa. Ông Nguyễn Văn A, xóm 9, xã Hải Ninh (Hải Hậu) - người tham gia mô hình cho biết, năm 2009, toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông bị nhiễm rầy, khi thu hoạch năng suất không được bao nhiêu. Được Chi cục BVTV tỉnh động viên tham gia mô hình, ông chấp nhận ngay và đã thành công ngay từ vụ đầu tiên. Việc triển khai mô hình còn giúp nông dân nâng cao nhận thức và năng lực thực hành kỹ thuật về canh tác lúa theo phương thức thâm canh cải tiến, biết thu thập cơ sở dữ liệu, phân tích mức độ sâu bệnh và chủ động phương pháp phòng, trừ phù hợp, kịp thời với từng giai đoạn phát triển của cây lúa.

Thành công của mô hình "Cộng đồng quản lý rầy và các bệnh vi rút do rầy môi giới lây truyền" là đã tìm ra giải pháp quản lý rầy hiệu quả và khuyến cáo bà con nông dân áp dụng quy trình quản lý rầy ngay trong vụ lúa xuân 2011 bằng cách xử lý hạt giống, không phun thuốc trừ rầy di trú mà tập trung phun thuốc cho mạ trước khi cấy, kết hợp với phun trừ rầy lứa đầu tiên trong vụ; thường xuyên nhổ vùi cây lúa bị bệnh để hạn chế nguồn bệnh lây lan… Ngoài ra, mô hình còn góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nông dân để tổ chức cộng đồng quản lý rầy và các bệnh vi rút do rầy môi giới lây truyền, đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ chuyên trách BVTV và người làm công tác quản lý trong việc xây dựng chiến lược quản lý rầy trên cơ sở duy trì cân bằng sinh thái./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com