Thời gian qua, việc sử dụng tiết kiệm năng lượng được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện và bước đầu đạt hiệu quả, góp phần giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Sản xuất bộ bình nước nóng dùng năng lượng mặt trời ở Cty CP Năng lượng xanh Thanh Thủy (KCN Hòa Xá). |
Để tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp đã đổi mới công tác quản lý, điều hành sản xuất, khai thác tối đa năng lực của phương tiện, thiết bị, thực hiện giải pháp công nghệ và đổi mới trang thiết bị. Năm 2010, khi chuyển đổi sang sản xuất giầy dép xuất khẩu, Cty CP Xây dựng - giầy da Hồng Việt (Xuân Trường) đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cấp nhà xưởng, mua các loại máy chuyên dụng trị giá 18 tỷ đồng, vừa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, vừa tiết kiệm điện năng. Các loại máy may của Cty đều nhập khẩu từ Hàn Quốc, mỗi máy may có một đèn, chỉ chiếu sáng khi thực hiện đường may. Cty lắp đặt hệ thống chiếu sáng, làm mát hiện đại phục vụ yêu cầu sản xuất và tiết kiệm điện năng. 6 tháng đầu năm 2011, Cty sản xuất 72 nghìn đôi giầy xuất khẩu sang Hàn Quốc, đạt doanh thu gần 1 triệu USD, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp Quang Báo (Nam Trực) đầu tư trên 3 tỷ đồng mua máy đúc áp lực thay thế phương pháp đúc thủ công, để đúc các chi tiết xe máy, tiết kiệm 30-50% nhiên liệu, tạo ra sản phẩm bền đẹp. Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ doanh nghiệp Việt Hoàng (TP Nam Định) cho biết: Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vừa tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giảm thời gian thi công, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, vừa tiết kiệm năng lượng, hạ giá thành sản phẩm. Từ khi doanh nghiệp sử dụng máy CNC trong sản xuất khuôn mẫu, đã tiết kiệm trên 30% lượng điện tiêu thụ cho một sản phẩm, chất lượng khuôn mẫu tốt hơn, hầu như không có sản phẩm hỏng giúp doanh nghiệp ổn định giá bán trong thời gian dài và có tính cạnh tranh cao.
Các doanh nghiệp trong khối dịch vụ đã áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm điện, nước, tạo lợi thế cạnh tranh nhưng vẫn bảo đảm chất lượng phục vụ khách hàng. Năm 2009, Khách sạn du lịch công đoàn Thịnh Long (Hải Hậu) ngoài việc nâng cấp phòng nghỉ, sân đường nội bộ, đã thay thế hệ thống nước, khoan 2 giếng, lắp đặt ống dẫn nước đường kính 110mm, hệ thống lọc nước trị giá trên 90 triệu đồng, xây bể dự trữ nước đặt trên các tầng nhà với tổng dung tích 18 nghìn m3; thay các đường ống nước rò rỉ đã tiết kiệm khoảng 30m3 nước/ngày. Thực hiện tiết kiệm điện, khách sạn dùng thẻ từ thay cho khoá thông thường; thay toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng bóng compac và lắp đặt xen kẽ hệ thống chiếu sáng hành lang, phòng chờ, giảm chi phí tiền điện trước đây từ 10% doanh thu, xuống còn 5%. Ngoài ra, khách sạn còn trang bị 2 máy phát điện dự phòng 250kVA và 30kVA, ước tính mỗi năm tiết kiệm trên 150 triệu đồng cho chi phí điện, nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta nhiều đơn vị, hộ gia đình đã sử dụng các thiết bị đun nước dùng năng lượng mặt trời. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Cty CP Năng lượng xanh Thanh Thuỷ đầu tư dây chuyền sản xuất bộ bình nước nóng, các giàn thu nhiệt dùng trong công nghiệp, khách sạn sử dụng năng lượng mặt trời. Năm 2009, trên diện tích 2,6ha tại KCN Hoà Xá, Cty đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Hiện nay, mỗi tháng Cty sản xuất 400-500 bộ bình đơn, dung tích từ 2m3 trở lên. Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền khép kín, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 và đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN). So với sản phẩm cùng loại bán trên thị trường giá thành sản phẩm của Cty rẻ hơn 10-15%. Hiện nay, sản phẩm của Cty được tiêu thụ trên toàn quốc.
Để việc tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển Công nghiệp 1 đã tổ chức các lớp tập huấn thực hiện tư vấn, giới thiệu các trang thiết bị có hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng nhằm thực hiện đồng bộ các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.