Hiệu quả của Dự án cộng đồng quản lý

08:07, 27/07/2011

Sau hơn 6 năm thực hiện, Dự án cộng đồng quản lý tại Thành phố Nam Định đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế hộ, nhất là trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở…

Tham gia xây dựng hạ tầng và giảm nghèo ở địa phương

Dự án cộng đồng quản lý do Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sỹ (SDC) tài trợ, được triển khai từ năm 2005 nhằm huy động cộng đồng nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng; đóng góp ý kiến vào việc hoạch định, xây dựng kế hoạch, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Chị Phạm Thị Lan ở tổ 18, phường Trường Thi cho biết: “Từ khi dự án triển khai, người dân chúng tôi được hưởng lợi nhiều, đường, ngõ khang trang, môi trường vệ sinh sạch, đẹp!”. Trước đây đường, ngõ chưa được cải tạo, ở tổ 18, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội, nước ngập cả vào nhà, nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt thường trực, người dân vứt rác bừa bãi khiến môi trường bị ô nhiễm. Từ cuối năm 2009, Dự án cộng đồng quản lý đã đầu tư 15 triệu đồng, Ban quản lý dự án đứng ra vận động các cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ 4,6 triệu đồng và huy động nhân dân đóng góp 22 triệu đồng để đổ bê-tông toàn bộ 228m đường trục, đường ngõ của tổ. Ban quản lý dự án cũng hướng dẫn, vận động các hộ dân nêu cao ý thức bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện thói quen không vứt rác bừa bãi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhờ đó, cảnh quan đô thị, môi trường của tổ 18 đã thay đổi toàn diện. Tại phường Cửa Bắc, hai tổ dân phố số 15 và 16 có 215 hộ dân. Trước đây, do không có nhà văn hóa nên các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt văn hóa khó có điều kiện tổ chức; việc họp tổ dân phố cũng khó khăn. Dự án cộng đồng quản lý đã đầu tư 30,5 triệu đồng, vận động các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân 2 tổ đóng góp tiền và ngày công, hiện vật trị giá gần 23 triệu đồng để hoàn thành xây dựng nhà văn hóa liên tổ 15, 16. Ông Trần Văn Học, tổ trưởng tổ dân phố số 16 vui mừng: “Thông qua quá trình cùng đóng góp, trực tiếp xây dựng và sinh hoạt tại nhà văn hoá mà tình nghĩa xóm phố giữa nhân dân trong tổ và giữa hai tổ được gắn kết, mở rộng. Các nhiệm vụ, phong trào của thành phố, của phường đều được nhân dân hai tổ dân phố cùng bàn tìm ra cách làm hiệu quả nhất…". 

Nhân dân xóm Mỹ Lợi 2, xã Nam Phong (TP Nam Định) tham gia cải tạo đường dong, ngõ xóm.
Nhân dân xóm Mỹ Lợi 2, xã Nam Phong (TP Nam Định)
tham gia cải tạo đường dong, ngõ xóm.

Không chỉ tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân, Dự án cộng đồng quản lý còn góp phần vào công tác giảm nghèo của thành phố. Tại tổ dân phố số 7, phường Năng Tĩnh, tiểu dự án về phát triển kinh tế gia đình được triển khai từ năm 2007 đến nay đã đầu tư 31 triệu đồng giúp 45 người nghèo, cận nghèo trong tổ có việc làm với thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Bà Phạm Thị Chải, tổ trưởng tổ dân phố số 7 cho rằng, đây là dự án thiết thực vì không định hướng hay đầu tư, hỗ trợ chung chung mà căn cứ vào khả năng cụ thể của từng người nghèo để dạy nghề, trang bị phương tiện, huy động cộng đồng giúp đỡ, đảm bảo cuộc sống bằng nghề. Bà Vũ Thị Vinh ở số nhà 8, ngách 9, ngõ 186 đường Văn Cao - một hộ cận nghèo được tiểu dự án cho vay 3 triệu đồng mua dụng cụ, nguyên liệu làm bánh, hàng tháng có thu nhập trên 1 triệu đồng. Đến nay, bà Vinh đã không còn là hộ cận nghèo và có đời sống tương đối ổn định… Cuối tháng 6-2011, dự án đã triển khai tiểu dự án thực hiện, chuyển giao kỹ thuật trồng quất cảnh và hỗ trợ cây giống giúp 34 hộ nghèo tại thôn Đồng Lạc, xã Nam Phong thoát nghèo… bằng nghề truyền thống của địa phương. Qua hơn 6 năm triển khai dự án, đã có 271 tiểu dự án về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình được thực hiện với tổng kinh phí khoảng 8,5 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn I (2005-2008), dự án đã thực hiện 190 tiểu dự án tại 10 phường với kinh phí 2 tỷ đồng; giai đoạn II (từ năm 2008 đến nay) mở rộng thêm 5 phường, xã, với 81 tiểu dự án có tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng.

Góp phần thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Cùng với các tiểu dự án về hạ tầng cơ sở, vệ sinh môi trường, giảm nghèo, Dự án cộng đồng quản lý có vai trò tích cực trong thúc đẩy, thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thông qua thực hiện vai trò kết nối giữa nhân dân và chính quyền địa phương, dự án đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân đề đạt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp với chính quyền, từ đó giúp chính quyền có những quyết sách hợp lý. Thông qua trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nên các chính sách, quyết định của chính quyền khi đưa ra thực hiện tại cơ sở sẽ được đồng thuận, ủng hộ, triển khai thành công. Chính quyền và nhân dân cùng thực hiện giám sát, góp phần đảm bảo chất lượng các dự án, công trình. Nói cách khác, dự án thực sự là cầu nối để người dân thực hiện quyền “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ngày 30-12-2010, dự án đã làm cầu nối triển khai cuộc đối thoại giữa UBND phường Cửa Nam và hơn 300 người dân trong phường về các nội dung công tác trọng tâm của năm 2011 cũng như một số vấn đề còn tồn tại của phường. Bà Trần Thị Thi tổ 8, phường Cửa Nam cho biết: Tại cuộc đối thoại, bà con trong phường đã hỏi 4 vấn đề và đề nghị 2 nội dung với lãnh đạo phường: Trong năm 2011 phường có hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa ở các khu dân cư không? Dân có phải đóng góp xây trạm y tế, trường mầm non không? Sắp tới phường có đấu thầu bán đất không? Tại sao cấp sổ đỏ còn chậm?. UBND phường có kế hoạch gì để giải quyết tình trạng môi trường bị ô nhiễm? Đề nghị công khai với dân ngay trong quý I-2011 về các hoạt động đấu thầu, thi công, huy động vốn và đề nghị đồng bộ hệ thống chiếu sáng công cộng tại phường. Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo phường đã trả lời từng vấn đề; trong đó khẳng định, trong năm 2011 sẽ xây thêm 4 nhà văn hóa ở các tổ 3, 5, 8, 10, đảm bảo các cụm dân cư đều có nhà văn hóa. Chi phí xây các nhà văn hóa là 200 triệu đồng, ngân sách thành phố đầu tư 50%, ngân sách phường 10%, nhân dân đóng góp 10%, dự án cộng đồng quản lý hỗ trợ 30%. Việc xây trạm y tế, trường mầm non do ngân sách đầu tư, nhân dân không phải đóng góp. Phường sẽ đấu thầu bán 8 lô đất cạnh đường 490C (đường 55 cũ). Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường UBND phường sẽ tích cực giải quyết nhưng phải có sự tham gia tích cực của nhân dân. Hai kiến nghị đều được UBND phường nhất trí thực hiện. Đến giữa năm 2011, theo đánh giá của nhân dân phường Cửa Nam, cả 6 vấn đề trên đều được triển khai đúng như nội dung đối thoại. Đồng chí Nguyễn Đình Thục, Chủ tịch UBND phường Cửa Nam cho biết: “Trong hơn 3 năm qua, mô hình cộng đồng quản lý đã đóng góp đáng kể vào công tác thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn phường. Từ hiệu quả phát huy cao độ vai trò làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa nhân dân và chính quyền mà các nhiệm vụ công tác về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự… của phường đều được triển khai thành công, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tốc độ tăng trưởng, phát triển của phường”.

Theo ban quản lý dự án cho biết, trong thời gian qua, Dự án cộng đồng quản lý đã tiến hành cầu nối 27 cuộc đối thoại giữa chính quyền và cộng đồng. Tại các cuộc đối thoại nhân dân có 300 ý kiến, trong đó có 227 ý kiến được giải trình minh bạch ngay tại các buổi đối thoại, 73 ý kiến được chính quyền đưa vào kế hoạch và đã được thực hiện. Đến nay, UBND Thành phố Nam Định đã phê duyệt Quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã có sự tham gia của cộng đồng, đã có 4 phường thực hiện thí điểm quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã có sự tham gia của cộng đồng, 6 phường thực hiện công khai các chương trình, kế hoạch với cộng đồng, cải tiến quy chế tiếp dân… Đây là những kết quả đóng góp tích cực của dự án vào công tác thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố. Bà Lã Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Hữu nghị cộng đồng, Trưởng Ban quản lý Dự án cộng đồng quản lý cho biết: “Vấn đề cốt lõi để đối thoại giữa chính quyền và nhân dân đạt hiệu quả là người dân tham gia đối thoại phải có đủ năng lực đưa ra ý kiến xác đáng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Dự án đã tổ chức 55 lớp tập huấn kiến thức cho 3.388 người về pháp luật dân chủ, lập kế hoạch, quản lý tài chính, bình đẳng giới, giám sát đầu tư cộng đồng… Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức 13 lớp tập huấn cho 765 cán bộ chính quyền cơ sở về kỹ năng điều hành, kỹ năng lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng…”.

Đánh giá của UBND Thành phố Nam Định và chính quyền các phường, xã tham gia Dự án cộng đồng quản lý đều ghi nhận những đóng góp tích cực của dự án về đẩy mạnh kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, cũng có một vài phường, xã và không ít tổ dân phố chưa nhận thức đầy đủ hiệu quả của dự án nên thiếu quan tâm. Dự kiến trong giai đoạn 2011-2012, dự án sẽ tiếp tục mở rộng ra toàn thành phố và 1 huyện trong tỉnh. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để các phường, xã chủ động trong đầu tư, hỗ trợ các nhu cầu chính đáng mà nhân dân đề xuất./.

Bài và ảnh: Hoàng Văn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com