Hiệu quả bước đầu từ vùng nuôi thuỷ sản ở Trực Khang

07:07, 20/07/2011

Xã Trực Khang thuộc vùng trũng của huyện Trực Ninh. Những năm gần đây nhờ tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tạo hệ thống thuỷ lợi nội đồng, bình quân năng suất lúa của xã đạt 128 tạ/ha/năm. Tuy vậy vẫn có trên 40ha thuộc vùng quá trũng của xã năng suất lúa chỉ đạt 30-40 tạ/ha/năm. Năm 2008, xã đã lập dự án chuyển đổi gần 31ha ở vùng trũng của 3 đội sản xuất số 1, 3, 4 sang nuôi thuỷ sản tập trung kết hợp với chăn nuôi và làm vườn. Được sự đầu tư của tỉnh, của huyện, xã đã làm đường bê tông dài gần 2km rộng gần 4m trị giá trên 5 tỷ đồng ở vùng chuyển đổi để xe vận tải loại nhỏ hoạt động, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu trao đổi đất, thuê đất để chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại. Đến nay, đã có 20 hộ đầu tư nuôi thuỷ sản, chăn nuôi và làm vườn trong vùng dự án. Để có nguồn nước bảo đảm cho nuôi thuỷ sản, HTX khoanh vùng để các hộ chủ động lấy nước vào ao nuôi bằng cách thông báo thời gian phun thuốc BVTV và thực hiện phun thuốc theo 4 đúng để hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Hằng năm, được sự giúp đỡ của Sở NN-PTNT, Phòng NN-PTNT huyện, xã tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản, kỹ thuật nuôi trồng, bảo vệ môi trường tạo sự phát triển bền vững. Từ năm 2008 đến nay, các hộ đầu tư vào vùng chuyển đổi đều có thu nhập cao hơn cấy lúa từ 2-3 lần, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Anh Hà Văn Phát ở đội 3, người đầu tiên đầu tư vào vùng dự án cho biết: Năm 2008, trên diện tích gần 3ha, anh dành 1,7ha đào 8 ao thả cá truyền thống, sau khi trừ chi phí, năm đầu tiên mỗi ao đã cho nguồn thu 25-30 triệu đồng. Trong quá trình nuôi, anh luôn học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Từ chỗ phải mua cá giống, đến nay anh đã ương đủ lượng cá giống cho các ao nuôi, với cách làm vừa đánh bắt vừa thả bù, anh đã chủ động trong việc xuất bán để không bị ép giá.  Diện tích đất vượt từ đào ao, một phần anh xây chuồng nuôi lợn, một phần làm vườn. Anh nuôi lợn theo hình thức gối sóng; khi lợn nái đẻ, anh dành mỗi khu chuồng nuôi một lứa, vừa chủ động nguồn giống vừa dễ tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay anh đã xuất bán 2 lứa lợn, mỗi lứa thu 30-40 triệu đồng. Trên vườn, anh trồng các loại cây cảnh, cây ăn quả, cây rau màu… Hiện nay, mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Phát mỗi năm có thu hàng trăm triệu đồng. Trong vùng chuyển đổi của xã còn có nhiều hộ đầu tư có hiệu quả như hộ các ông Hà Văn Xuất, Phạm Văn Trưởng, Đồng Văn Trung…, mỗi hộ đều có diện tích trên dưới 1ha kết hợp nuôi cá, lợn, vịt và trồng cây cảnh, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng/hộ. Các hộ trong vùng chuyển đổi thường xuyên tổ chức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các vùng nuôi thuỷ sản Nghĩa Châu, Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng), Hải Châu (Hải Hậu).

Hiệu quả bước đầu ở vùng chuyển đổi đã được ghi nhận, song đến nay xã chưa triển khai hết 31ha của vùng dự án vì một số hộ có đất thuộc vùng dự án không đủ điều kiện phát triển kinh tế trang trại nhưng chưa muốn chuyển đổi đất cho các hộ có điều kiện. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đồng Văn Nghiêm, Chủ tịch UBND xã mong Nhà nước, các cấp, các ngành có cơ chế cho việc tích tụ, chuyển đổi ruộng đất để các hộ có khả năng được tạo điều kiện phát triển sản xuất, từ đó hình thành nhiều vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững, hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.

Trần Hữu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com