Cây cảnh, cây thế

10:07, 07/07/2011

Thời gian qua, với tốc độ tăng trưởng ở mức "nóng" về giá thành, doanh thu, nghề trồng cây cảnh đã đóng góp khá lớn trong công tác giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phát triển kinh tế ở nhiều địa phương... Tuy nhiên, xu hướng trồng và đầu tư cây cảnh đang ảnh hưởng đến cơ cấu đất nông nghiệp và đời sống của nông dân.

Sôi động thị trường cây cảnh, cây thế

Tỉnh ta có làng nghề trồng hoa, trồng cây cảnh truyền thống nổi tiếng ở Điền Xá và một số làng thuộc vùng đất bãi của huyện Nam Trực. Theo xu thế thị trường, những năm 1990 của thế kỷ trước là các loại cây cảnh nghiêng về thú chơi nho nhã, truyền thống như trà, vạn tuế; những năm 2004-2006, giống cau vua được giá... Từ cuối năm 2006 đến nay, phong trào trồng cây cảnh chuyển hướng sang trồng cây thế, tập trung vào cây sanh (giống lá nhỏ).

Sinh vật cảnh được trưng bày tại khuôn viên trụ sở nhiều cơ quan, doanh nghiệp.
Sinh vật cảnh được trưng bày tại khuôn viên trụ sở nhiều cơ quan, doanh nghiệp.

Theo Hội Sinh vật cảnh tỉnh, năm 2008 doanh thu từ cây cảnh của các hộ dân khoảng 300 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cây sanh. Năm 2009, cây sanh bén rễ ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh, đẩy doanh số lên 547 tỷ đồng; năm 2010 đạt tới 1.020 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2011, ước tính doanh số đạt không dưới 500 tỷ đồng. Ở tỉnh ta, chưa bao giờ có loại cây hàng hoá nào có tốc độ tăng trưởng nhanh đến vậy. Tại huyện Nam Trực, năm 2010 doanh thu từ cây cảnh đạt 317 tỷ đồng, bằng 112% so với năm 2009. Tại huyện Hải Hậu, năm 2009 doanh thu từ cây cảnh đạt 179,9 tỷ đồng, năm 2010 tăng lên 351,1 tỷ đồng (tăng 134%), dẫn đầu toàn tỉnh và 6 tháng đầu năm 2011 đạt khoảng 350 tỷ đồng từ cây cảnh. Từ năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, bình quân 1ha trồng cây cảnh đạt thu nhập 222 triệu đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4.583ha trồng cây cảnh; trong đó, mô hình kinh tế vườn cây cảnh là 2.626ha, mô hình gia trại, trang trại, làng nghề sinh vật cảnh 1.786ha, mô hình doanh nghiệp sinh vật cảnh 27ha... Ông Lê Quang Chức, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết, một cây sanh cách đây vài năm có giá 200 triệu đồng, đến nay đã có giá vài chục tỷ đồng. Cây sanh thuộc loại thực vật không kén đất, dễ thích nghi với môi trường, giá thành cao khiến nông dân đổ xô vào trồng. Cũng vì mức giá cây cảnh tăng mạnh nên nhiều doanh nghiệp đầu tư vốn vào kinh doanh. Đến các doanh nghiệp, nhà máy từ sân, vườn, hành lang, thậm chí cả phòng làm việc đều có cây cảnh. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động nhận thấy phong trào chơi cây cảnh phát triển đã tham gia buôn bán cây cảnh... đã tạo sự sôi động, sức "nóng" của thị trường cây cảnh.

Thị trường cây cảnh, cây thế có dấu hiệu bão hoà

Hiện nay, số lượng cây cảnh ở công sở, trường học, đền chùa, địa điểm công cộng trên địa bàn toàn tỉnh khá lớn, riêng trong các năm 2009-2011 bổ sung trên 75 nghìn cây, nhu cầu mua cây cảnh trưng bày tại các cơ sở trên gần như đã bão hoà. Ông Lê Quang Chức cho biết, thời gian qua, một lượng không nhỏ cây phôi ở tỉnh ta xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Trong vài tháng gần đây, thị trường Trung Quốc hầu như đã dừng hẳn việc nhập cây phôi. Theo thống kê cho thấy có tới trên 90% doanh nghiệp của tỉnh đầu tư vào lĩnh vực cây cảnh ở các mức độ khác nhau, mục tiêu mua cây cảnh để tích trữ, đầu cơ là chính. Những sức ép từ lãi suất ngân hàng, hạn chế cho vay phi sản xuất, vốn phục vụ duy trì sản xuất kinh doanh buộc nhà đầu tư phải bán ra để thu vốn. Dự kiến thời điểm cuối năm nay sức bán sẽ lớn vì hiện nay nhiều nhà đầu tư sinh vật cảnh đã bắt đầu bán ra mà không thể chờ lâu hơn. Tình trạng này sẽ tác động lớn đến thị trường cây cảnh theo hướng ép giá xuống. Hậu quả trực tiếp là các doanh nghiệp, người đầu tư vào cây cảnh sẽ bị thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Tình, xóm Tây Cát, xã Hải Lý (Hải Hậu) đầu tư gần 40 triệu đồng trồng 2 sào cây sanh, mỗi sào trồng 40-50 gốc, giá thành hiện nay với cây phôi khoảng 3 tuổi là 3 triệu đồng/cây, so với cấy lúa thì lãi gấp 4 lần (1 sào lúa thu hoạch 4 tạ thóc/năm). Tuy nhiên, nếu cấy lúa thì mỗi năm thu hoạch hai lần, trồng cây sanh tối thiểu phải 3 đến 4 năm mới bán được cây phôi, nếu không may mất giá thì coi như hơn 3 năm gia đình ông Tình mất trắng công lao động, trong khi tiền đầu tư cây cảnh phải vay ngân hàng thì gia đình ông có nguy cơ trở thành hộ nghèo. Trong những năm qua, giới sinh vật cảnh đã vài lần xảy ra hiện tượng bão hoà mất giá. Như cây cau vua sau thời lên ngôi năm 2005-2006, sau đó bán không có người mua, người trồng phải mất tiền thuê chặt để trồng cây khác. Như vậy, rõ ràng cần phải có sự can thiệp, điều chỉnh của Sở NN-PTNT, Hội Sinh vật cảnh và chính quyền các địa phương trong việc điều chỉnh hợp lý nguồn đầu tư vào cây cảnh để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực khi thị trường bão hòa, xuống giá. Một vấn đề nữa cũng cần cảnh báo là hiện nay diện tích trồng cây cảnh, cây sanh đang có xu thế lấn chiếm đất trồng lúa. Thực tế cho thấy việc chuyển đổi sang trồng cây cảnh với 2.600ha đất hoang hóa được khai phá, đất cải tạo vườn tạp, đất gồ, ruộng cao thiếu nước, đất chua mặn… cần được khuyến khích nhưng việc chuyển đổi từ đất 2 lúa sang đất trồng cây cảnh cần được xem xét cẩn trọng, quản lý chặt chẽ. Số liệu cho thấy từ năm 2006 đến nay đất 2 lúa chuyển đổi sang trồng cây cảnh là 1.983ha. Đáng nói là thời điểm năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 391/QĐ-TTg yêu cầu “quản lý chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa và trồng cây lương thực để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia” nhưng sau đó, diện tích đất chuyển đổi lại tăng mạnh hơn (3 năm 2006, 2007, 2008 chuyển đổi 841ha; hai năm 2009, 2010 chuyển đổi 1.142ha). Việc chuyển đổi trên cơ bản diễn ra tự phát, do người dân tự ý chuyển đổi là chính, trong đó phổ biến nhất là tại huyện Hải Hậu. Đến nay huyện Hải Hậu dẫn đầu về diện tích chuyển đổi đất lúa sang trồng cây cảnh với diện tích 1.767ha. Do chuyển đổi tự phát, tùy tiện nên diện tích trồng cây cảnh ở nhiều địa phương đang có hiện tượng phá vỡ quy hoạch chung về sản xuất nông nghiệp, những “thửa vườn” xuất hiện ngày một nhiều trên đồng lúa đang tác động tiêu cực đến hệ thống thủy lợi nội đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa và cây lương thực. Trong 6 tháng đầu năm, diễn biến chuyển đổi đất cấy lúa sang trồng cây cảnh vẫn có chiều hướng gia tăng. Ngày 23-3-2011, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc "Tăng cường quản lý việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ nghiêm ngặt quy hoạch đất cấy lúa nước trên địa bàn tỉnh". Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị của UBND tỉnh cũng như hạn chế diễn biến xấu của thị trường cây cảnh, các ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần vào cuộc trong việc xây dựng quy hoạch đất nông nghiệp, có biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình chuyển đổi sai quy định, quy hoạch./.

Bài và ảnh: Hoàng Long

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com