Canh tác bền vững

08:07, 14/07/2011

Theo tổng kết của ngành nông nghiệp, từ năm 2006 đến nay, nạn rầy nâu, vi rút lúa, vàng lùn, lùn xoắn lá... xuất hiện ngày càng rộng, với mật độ khá đậm đặc, có nơi trở thành dịch, gây hại nghiêm trọng, nhưng hơn 13 vụ lúa qua nông dân ta vẫn được mùa.

Phải chăng, chúng ta đã tìm được cách “sống chung” với dịch hại(?) Câu hỏi này tưởng như dễ trả lời, nhưng quả thật khi đi sâu phân tích, mới thấy còn nhiều điều bất cập. Trước hết là dựa chủ yếu vào các biện pháp hóa học. Có nơi còn lạm dụng biện pháp này một cách quá đáng.

Theo phân tích của các nhà quản lý và các nhà khoa học, dùng biện pháp hóa học nhìn chung là đã góp phần quản lý được dịch hại, nhưng nảy sinh hai vấn đề lớn. Trước hết, là gây ra ô nhiễm môi trường một cách nặng nề, vì dùng quá nhiều chế phẩm hóa học, nên các loài sinh vật ngày một vắng bóng trên đồng ruộng, dẫn đến tình trạng phá vỡ cân bằng sinh thái. Hai là, thiếu tính bền vững; dùng biện pháp hóa học, ngoài quy luật xuất hiện và mất đi của dịch hại tự nhiên; thì sự tái đi, tái lại của một loại dịch, chính là đã bị “nhờn thuốc”. Điều này là vô cùng nguy hại.

Xã viên hợp tác xã Khánh Lão, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) thu hoạch lúa chiêm xuân, năng suất ước đạt 200kg/sào. Ảnh: Ngọc Thắng
Xã viên hợp tác xã Khánh Lão, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) thu hoạch lúa chiêm xuân, năng suất ước đạt 200kg/sào.
Ảnh: Ngọc Thắng

Phải làm cho canh tác bền vững là biện pháp và ưu thế tuyệt đối trong nền sản xuất nông nhiệp của nước nhà, chứ không phải là thuốc hóa học. Đây là vấn đề then chốt, là quyết tâm của nền sản xuất lương thực nước ta. Thời gian gần đây, công tác khuyến nông đã từng bước áp dụng nhiều mô hình quản lý được dịch hại như: “Ba giảm ba tăng”, “IPM cộng đồng”, né rầy gieo sạ tập trung... Nhiều địa phương áp dụng những biện pháp này, đã tạo ra sự canh tác bền vững trên đồng ruộng của chính mình. Song, những biện pháp này chưa được “phổ cập” một cách rộng rãi, người nông dân vẫn chưa hiểu hết tác dụng của những biện pháp canh tác tiên tiến. Vì vậy ở trong một tỉnh, trong một vụ, nơi này được mùa, nơi kia thất bát là điều không khó lý giải.

Để ngành sản xuất lương thực, đặc biệt là sản xuất lúa của nước ta “sống chung” với dịch hại một cách bền vững, từ những phân tích đã nêu trên, cần sớm tổng kết rút kinh nghiệm và đưa ra một “mô hình chuẩn” về canh tác bền vững để quản lý dịch hại, được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương trên cả nước. Ngành khuyến nông các địa phương phải làm tốt vai trò “bà đỡ”, người hướng dẫn cho nông dân, làm cho những biện pháp sản xuất tiên tiến đi đến từng thửa ruộng, làm thay đổi tận gốc tập quán canh tác. Như vậy sẽ bớt được rủi ro, tăng sản lượng và đã góp phần bảo vệ an ninh lương thực, tăng sản lượng gạo xuất khẩu, cải thiện đáng kể đời sống của người nông dân./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com