Đưa hàng Việt Nam về nông thôn

08:06, 02/06/2011

Hưởng ứng Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian qua nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức các đợt đưa hàng hóa sản xuất trong nước về nông thôn. Có địa phương mỗi năm tổ chức hàng chục "Hội chợ hàng Việt Nam" để giới thiệu, bày bán nhiều loại hàng hóa, chủ yếu là hàng gia dụng, thực phẩm, công nghệ, may mặc Việt Nam chất lượng cao. Giá bán tại các hội chợ thường thấp hơn giá thị trường từ 5 đến 10%, cho nên phù hợp người tiêu dùng.

Qua các phiên chợ hàng Việt Nam có thể thấy, bước đầu người tiêu dùng nông thôn tin tưởng về chất lượng hàng sản xuất trong nước với chủng loại, mẫu mã đa dạng,  phù  hợp  khả năng  kinh  tế của phần lớn nông dân, đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thiết thực bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp chỉ tham gia các phiên chợ, tổ chức các chuyến bán hàng  lưu động về nông thôn theo "chiến dịch" hay "phong trào"... là chưa đủ để thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường. Bản thân người tiêu dùng, nếu không có cơ hội sử dụng thường xuyên hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, thì khó có thể xây dựng được thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam.

Khu vực nông thôn được xác định là thị trường lớn, đầy tiềm năng. Vì vậy, mục đích  của các phiên chợ hàng Việt Nam không chỉ là để bán hàng, mà thông qua đó còn khẳng định vai trò to lớn của thị trường nông thôn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, để "đánh thức" thị trường này phải có những giải pháp cụ thể, bài bản và lâu dài hơn. Trước mắt, cần làm tốt các chương trình hỗ trợ truyền thông, tiếp thị các sản phẩm mới, đưa sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước tới tay người tiêu dùng, tạo cầu nối giữa nhà  sản xuất  và người sử dụng. Trong đó, bao gồm nhiều hoạt động như hướng dẫn các tiểu thương cách bán hàng, trao đổi thông tin về sản phẩm với người tiêu dùng, tư vấn miễn phí, tặng quà khuyến mại... Các phiên chợ hàng Việt Nam cần bảo đảm về quy mô, thời gian, cũng như trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên tiếp thị trong quá trình giới thiệu sản phẩm, trực tiếp bán hàng, hướng dẫn cách bảo quản, sử dụng hàng hóa, chế độ bảo hành... nhằm tạo kênh bán hàng mới, gắn với việc phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Để có thể thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường nông thôn, các doanh nghiệp cần tăng quy mô và tần suất các chuyến bán hàng, tập trung nghiên cứu phát triển hoạt động phân phối, nhất là các sản phẩm trực tiếp sản xuất tại nông thôn, làm bước đệm hình thành hệ thống bán lẻ, phân phối hiện đại tại khu vực này.

Đưa hàng Việt Nam về nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo doanh nghiệp thường gặp khó khăn về tài chính do chi phí tổ chức, quản lý, vận chuyển hàng hóa, vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thích hợp đối với các doanh nghiệp để có nhiều hơn nữa người Việt Nam dùng hàng Việt Nam./.

Theo: nhandan.org.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com