Hiện nay, sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống trong tỉnh ngày càng đa dạng gồm: bia, rượu, thịt, tôm đông lạnh, bánh kẹo, nước mắm…, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống đã góp phần tiêu thụ các nông sản hàng hoá cho nông dân trong tỉnh, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nhiều địa phương. Năm 2010, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các ngành công nghiệp của tỉnh với giá trị sản xuất 711 tỷ đồng, tăng 36,3% so với năm 2009. Toàn tỉnh đã sản xuất được trên 5,6 triệu lít nước mắm, 362 tấn rau quả các loại, gần 2.000 tấn thịt đông lạnh, 50 triệu lít bia… Đạt được kết quả trên, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm, đồ uống trong tỉnh đã đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Từ nhiều năm nay, các sản phẩm: nước mắm, mắm tôm, sứa biển, chả cá nhãn hiệu Ninh Cơ của Cty cổ phần Chế biến hải sản Nam Định, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Cty đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống bể chứa nguyên liệu, bể chượp, kho lọc, thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật trong quá trình chế biến, bảo đảm các tiêu chuẩn ATVSTP, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Mỗi năm, Cty thu mua từ 500-700 tấn cá của ngư dân trong huyện và huyện Nghĩa Hưng, xuất bán khoảng 300 nghìn lít nước mắm các loại, 50-60 tấn mắm tôm. Hiện nay, sản phẩm sứa của Cty đã xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Cty tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động, thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng. Cty cổ phần Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định (TP Nam Định) trung bình mỗi năm xuất khẩu trên 1.000 tấn thịt lợn sữa đông lạnh, tạo việc làm cho 120 lao động, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thị trường truyền thống gồm: Hồng Kông, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Lào, cuối năm 2010, Cty đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang Xinh-ga-po. Trong 4 tháng đầu năm 2011, Cty đã xuất khẩu trên 400 tấn sản phẩm, đạt doanh thu khoảng 25 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong lĩnh vực chế biến đồ uống, các doanh nghiệp như: Cty cổ phần Bia Na Da, Cty cổ phần Bia Hà Nội - Nam Định, Cty Bia ong Xuân Thuỷ… được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Cty cổ phần Bia Na Da những năm qua đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm như: đầu tư dây chuyền đóng chai tự động, phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi mẫu mã, cách thức đóng gói sản phẩm…, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Bình quân mỗi năm, Cty sản xuất trên 30 triệu lít bia các loại, tạo việc làm cho 500 lao động, doanh thu đạt trên 200 tỷ đồng. Với khoảng 600 đại lý cấp 1, sản phẩm của Cty đã được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong tỉnh và các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ…
Tuy nhiên, hiện nay ngành chế biến thực phẩm, đồ uống của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Trang thiết bị của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa hiện đại, đồng bộ. Các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống mới ở dạng bảo quản và sơ chế, chưa có cơ sở chế biến sản phẩm có giá trị cao như thịt, cá đóng hộp, dăm bông, xúc xích… Để hoàn thành mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, giai đoạn năm 2011-2015 đạt 15%, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm. Phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, chú trọng chế biến các sản phẩm xuất khẩu. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các cơ sở lớn trong nước và nước ngoài để mở rộng thị trường. Gắn với lợi ích giữa các nhà sản xuất, với người cung cấp nguyên liệu. Chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn ATVSTP trong sản xuất và tiêu thụ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất bền vững./.
Nguyễn Thanh Thủy