Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

08:06, 15/06/2011

Trong những tháng đầu năm 2011, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở tỉnh ta tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ tháng 1 đến tháng 4-2011, dịch cúm gia cầm xuất hiện tại các xã Tân Thành (Vụ Bản), Yên Phong, Yên Thọ (Ý Yên), Nghĩa An (Nam Trực); dịch lở mồm, long móng xuất hiện ở các huyện Nam Trực, Giao Thủy, Xuân Trường, Ý Yên, Trực Ninh. Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành tiêu hủy trên 8.500 con gà, vịt; 104 con lợn mắc bệnh.

Trước diễn biến của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Chi cục Thú y tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Trong chiến dịch tiêm phòng vụ xuân năm 2011, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin phòng dịch tả, tụ huyết trùng cho 117.338 con lợn; vắc-xin phòng lở mồm long móng cho 26.119 con trâu, bò; vắc-xin phòng dại cho 45.491 con chó và tiêm bổ sung cho 750 con lợn. Chi cục Thú y tỉnh còn tiến hành tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng lở mồm long móng tuýp O (chủng Myanma 98) cho 280 con trâu, bò và 40.000 con lợn. Các huyện đạt tỷ lệ tiêm phòng cao là Hải Hậu và Giao Thủy.  Ngoài ra, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh, giám sát bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở đàn gia súc, gia cầm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tai xanh, dịch tả lợn… Với mục tiêu phát hiện nhanh, xử lý chính xác các ổ dịch theo quy trình kỹ thuật, Chi cục đã tiến hành điều tra, xác định bệnh và nguồn gốc lây nhiễm, đề ra biện pháp cụ thể đối với từng ổ dịch, khoanh vùng không để dịch lây lan trên diện rộng; cấp phát đầy đủ lượng vắc-xin, hóa chất tiêu độc khử trùng và các dụng cụ đi kèm phục vụ tiêm phòng, hóa chất khử trùng, tiêu độc các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ xảy ra dịch, nơi tập trung buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm, trang trại chăn nuôi với số lượng lớn và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Chi cục tiến hành lấy gần 6.000 mẫu huyết thanh và 595 mẫu swab (dịch họng và dịch ổ nhớp) của 79 đàn vịt tại 10 huyện, thành phố và giám sát dịch cúm gia cầm theo Dự án GETR lấy mẫu huyết thanh sau tiêm phòng đợt 2 ở 108 đàn vịt tại 5 huyện. Xây dựng 31 biển tuyên truyền phòng, chống dịch cúm gia cầm; lập 4 chốt kiểm dịch tại các huyện: Ý Yên, Mỹ Lộc, Xuân Trường và Thành phố Nam Định. Xã Nghĩa An (Nam Trực) là đầu mối giao thông giữa Thành phố Nam Định và các huyện phía nam tỉnh nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cao. Xã đã phân công thú y viên phụ trách địa bàn và tổ chức đến từng hộ dân tiêm vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm. Với tổng đàn trâu, bò là 750 con, đàn lợn 1.750 con và đàn gia cầm gần 29 nghìn con, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của xã đã thường xuyên chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, phân công thú y viên nắm bắt số lượng, tình trạng dịch bệnh và sự luân chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn. Kết hợp giữa tuyên truyền, tập huấn kiến thức cơ bản về phòng dịch, cách phát hiện dịch bệnh, cơ chế thông báo khi có dịch cho các hộ dân…; tăng cường kiểm soát đối với các hộ buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn để kiểm soát dịch bệnh tận gốc, dễ khoanh vùng dịch bệnh và ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh lây lan từ nơi khác tới. Đối với trường hợp phát sinh ổ dịch, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã nhanh chóng tìm nguyên nhân phát sinh dịch và tổ chức tiêu hủy, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi theo đúng quy trình, đồng thời hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp cách ly, đảm bảo an toàn khi nuôi trở lại. Do đó, công tác tiêm phòng vụ xuân của xã Nghĩa An đạt tỷ lệ cao ở tất cả các chỉ tiêu, trong đó tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò tăng 30%, vắc-xin tụ huyết trùng cho đàn lợn tăng 25% và vắc-xin cúm gia cầm tăng 25%; chăn nuôi ổn định, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thời gian tới, Chi cục Thú y tỉnh tiếp tục tiêm vắc-xin bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh, chú trọng những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp và những nơi đã xảy ra dịch tai xanh ở lợn và lở mồm long móng ở trâu, bò. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi chuyển trọng tâm từ phòng bệnh sang chăm sóc bằng các biện pháp: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vệ sinh khử trùng khu vực nuôi, rắc vôi bột và định kỳ phun thuốc sát trùng Benkocid, Haniodin 1-2 tuần/lần để tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường; chủ động phòng chống, tăng cường giám sát dịch bệnh, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng./.

Hương Tú



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com