Vì sao một số mô hình thí điểm chăn nuôi chưa được nhân rộng ?

08:06, 27/06/2011

Những năm gần đây, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào nuôi trồng, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Nhiều mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi gà an toàn sinh học, cải tạo đàn bò thịt... tại các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, Vụ Bản, Hải Hậu, Giao Thuỷ; các mô hình nuôi thuỷ sản vùng mặn lợ như: nuôi cá chim biển vây vàng, cua biển tại các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ… đã góp phần đạt giá trị trung bình hơn 70 triệu đồng/ha. Tuy nhiên trên thực tế, không phải tất cả các mô hình chăn nuôi khi thực hiện chuyển giao đều mang lại hiệu quả và nhân ra diện rộng. 

Nuôi tằm theo phương pháp truyền thống ở xã Nam Thắng (Nam Trực).
Nuôi tằm theo phương pháp truyền thống ở xã Nam Thắng (Nam Trực).

Xã Nam Thắng (Nam Trực) có nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống. Những năm trước, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật nuôi tằm trên nền đất cho các hộ dân. Mô hình đạt hiệu quả cao hơn so với nuôi theo phương pháp truyền thống về năng suất, chất lượng và giảm được công lao động nhờ tính bảo ôn của nền đất (ấm về mùa đông, mát về mùa hè), giúp nông dân nuôi được nhiều lứa tằm trong năm, giảm 60% công chăm sóc, đồng thời tránh được nhiều rủi ro do thời tiết. Tuy nhiên, mô hình nuôi tằm trên nền đất lại không được người nuôi duy trì do không đáp ứng được yêu cầu về lán trại chuyên dụng cho tằm sinh trưởng và phát triển. Theo yêu cầu kỹ thuật, trung bình một vòng trứng phải có từ 8-10m2 lán trại, trong khi việc đầu tư mở rộng diện tích làm lán trại lại là vấn đề khó khăn đối với người nông dân. Nếu theo cách nuôi tằm truyền thống chỉ cần 1m2 khoảng trống trong nhà, dựng khung rồi lùa 5-7 nong tằm chồng lên nhau. Bởi vậy, 800 hộ nuôi tằm ở xã Nam Thắng vẫn kiên trì với cách nuôi tằm truyền thống.

Các mô hình thí điểm nuôi cá rô phi đơn tính đã đem lại hiệu quả kinh tế cho một số hộ nuôi ở các huyện Vụ Bản, Ý Yên… Tuy nhiên, trong quá trình nhân rộng mô hình, do chưa có kinh nghiệm chọn con giống, nhiều hộ nuôi đã mua phải con giống kém chất lượng, cá không phát triển mà sinh sản quá nhanh gây thiệt hại đáng kể về kinh tế, không ít hộ dân vì đầu tư không hiệu quả dẫn đến tái nghèo. Trung tâm Giống thuỷ đặc sản tỉnh đang xúc tiến nghiên cứu sản xuất con giống và nuôi thương phẩm cá rô phi đơn tính nhằm lấy lại vị trí của giống cá quý cho năng suất, chất lượng cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn.

Mô hình nuôi lợn sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường được xây dựng ở cả 10 huyện, thành phố nhằm đưa kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Từ nguồn kinh phí khuyến nông, mô hình hỗ trợ trọn gói từ việc tập huấn kỹ thuật chăn nuôi đến tiêu chuẩn xây dựng chuồng trại và cấp một phần kinh phí mua giống, thức ăn, thuốc thú y, cử kỹ thuật viên giám sát để kịp thời khắc phục những khó khăn trong quá trình chăn nuôi. Qua thực tế, mô hình nuôi lợn hướng nạc đã góp phần chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại tập trung. Nhiều trang trại, gia trại ở các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Xã Xuân Kiên (Xuân Trường) đã thành lập CLB nuôi lợn ngoại với hơn 30 thành viên, trong đó có nhiều cá nhân tiêu biểu như các anh Bùi Văn Quang, Mai Văn Chiến, Mai Văn Cường, Bùi Xuân Quang… đều nuôi từ 30 con lợn trở lên. Tuy nhiên, mục tiêu nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc vẫn chưa thực hiện được do tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của đa số người chăn nuôi vẫn chưa được khắc phục.

Nguyên nhân cản trở việc nhân rộng mô hình sản xuất là do quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo phương thức mới đòi hỏi khắt khe về yêu cầu kỹ thuật, hàm lượng thức ăn tổng hợp, chuồng trại và đòi hỏi người chăn nuôi phải có hiểu biết nhất định. Ngoài ra, công tác thông tin về thị trường cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm, nên khi mỗi mô hình kết thúc, người nông dân thường gặp khó khăn khi mua giống sản xuất và bán sản phẩm. Thực tế, một số hộ nông dân tham gia mô hình khuyến nông cốt để được hỗ trợ, sau khi kết thúc chương trình cũng không có nhu cầu tiếp tục đầu tư vốn để sản xuất. Đó là chưa tính đến những cản trở do việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn chậm, trong khi sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền còn hạn chế, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông để nhân rộng mô hình mới, tạo ra những vùng chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa.

Để các mô hình chăn nuôi được triển khai thực hiện có hiệu quả và ngày càng nhân rộng, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung chỉ đạo, nhân rộng các mô hình khuyến nông theo quy hoạch vùng, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Quan tâm củng cố đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở; tăng cường tập huấn để mỗi cán bộ khuyến nông am hiểu kiến thức nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Gắn việc xây dựng mô hình thí điểm với đảm bảo đầu ra cho sản phẩm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com