Tìm đúng tâm cắt giảm đầu tư công

08:06, 16/06/2011

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 5-2011, các bộ, ngành và địa phương đã cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư bằng nguồn ngân sách của 2.048 dự án, với tổng kinh phí 5.556 tỉ đồng và 126 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tổng trị giá 2.777 tỉ đồng. Như vậy, nếu tính bình quân, chi phí đầu tư của một dự án sử dụng vốn ngân sách được đưa vào danh sách cắt giảm chỉ có 2,7 tỉ đồng. Còn các dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ cũng chỉ khoảng 22 tỉ đồng cho mỗi dự án. Rõ ràng, việc cắt giảm đầu tư công trong những tháng qua chủ yếu tập trung vào những dự án nhỏ và rất nhỏ.

Ngay với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị đi đầu, với số dự án đình hoãn tới 300 và kinh phí đầu tư chiếm gần một phần ba tổng giá trị của các dự án trong danh sách cắt giảm của các tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước. Trong bối cảnh Việt Nam còn đang canh cánh với nỗi lo thiếu điện, tình trạng thất thoát điện còn lớn, mỗi công trình nguồn, hay dự án cải tạo và phát triển lưới điện của EVN, đều có ý nghĩa không nhỏ đối với nền kinh tế. Vì vậy, việc EVN tiên phong cắt giảm số lượng dự án với vốn đầu tư lớn như vậy là một điều khó hiểu. Có lẽ, phần lớn những dự án được EVN cắt giảm, nhất là những công trình thuộc nhóm A và B, cho dù đã được lên kế hoạch, nhưng EVN vẫn chưa tìm được nguồn vốn để thực hiện. Nếu suy đoán này là đúng, thì việc cắt giảm đầu tư này cũng là mang tính hình thức mà thôi.

Tình trạng lạm phát ở Việt Nam không hẳn do đầu tư công quá nhiều, mà do vấn nạn sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả. Vì thế, chủ trương cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát của Chính phủ, phải được hiểu là cắt đi những cái lãng phí, thất thoát và không hiệu quả, để làm cho mỗi đồng ngân sách chi ra mang lại hiệu quả thiết thực cho đất nước. Ngược lại, nếu chủ trương cắt giảm đầu tư công chỉ được thực hiện một cách máy móc, là cắt bỏ vài ngàn dự án để bớt đi vài ngàn hoặc vài chục ngàn tỉ đồng, thì có lẽ lạm phát sẽ còn tiếp tục đeo đuổi và trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên của cả nền kinh tế. Vì những hành động mang tính đối phó và hưởng ứng theo kiểu phong trào như vậy sẽ không bao giờ giúp khắc phục tận gốc nguyên nhân của vấn đề.

Nguồn gốc gây ra lạm phát cao không chỉ ở 3.081 dự án, với số tiền đầu tư 45.000 tỉ đồng đã cắt giảm nói trên mà nó tiềm ẩn trong tất cả các dự án, nhất là các công trình sử dụng vốn Nhà nước và của doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư. Vì thế, nếu chỉ dừng lại ở việc cắt giảm một số dự án, tiết giảm một ít nhu cầu đầu tư thì không đủ, mà phải siết chặt quản lý đối với tất cả dự án, chương trình đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách. Có lẽ, đây mới là chìa khóa để giải quyết những vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đương đầu./.

Theo: tainguyenmoitruong.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com