Thực trạng và giải pháp phát triển làng nghề

08:06, 15/06/2011

Sản xuất ở Cty TNHH Cơ khí đúc Công Minh (Ý Yên).
Sản xuất ở Cty TNHH Cơ khí đúc Công Minh (Ý Yên).
[links()]
II. Biện pháp tháo gỡ khó khăn của các làng nghề

Để góp phần tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động phát triển sản xuất CN-TTCN trong các làng nghề, thời gian qua các cấp chính quyền và các doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tích cực.

Tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề. Việc thành lập các CCN tại các xã, thị trấn được đặc biệt quan tâm thực hiện. Đến nay, đã có 20 CCN đầu tư xây dựng hạ tầng trên diện tích 338,9ha. Tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng đạt 562,1 tỷ đồng, đã thực hiện đầu tư gần 200 tỷ đồng, thu hút được 376 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 2.207 tỷ đồng. Ngoài ra, đã tạo mặt bằng cho nhiều dự án đầu tư lớn trên địa bàn nông thôn như KCN Mỹ Trung (Mỹ Lộc), Vinashin (Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Nam Trực), Bảo Minh (Vụ Bản) với tổng diện tích 335,9ha. Hiện các KCN này đang đầu tư xây dựng hạ tầng và đã thu hút được 15 dự án đăng ký, với tổng vốn là 11,3 triệu USD và 2.788 tỷ đồng. Về phía các huyện, không chỉ chủ động tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thu hút đầu tư của riêng địa phương mình mà còn tích cực thực hiện các biện pháp quy hoạch phát triển các ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế của các xã. Huyện Xuân Trường đang tập trung phát triển thành các cụm ngành nghề như: cụm ngành sản xuất các mặt hàng đan cói, bèo tây, bẹ chuối xuất khẩu tại các xã: Xuân Trung, Thọ Nghiệp, Xuân Phong, Xuân Thuỷ; cụm ngành dệt chiếu, sản xuất hàng mẫu nhỏ xuất khẩu tại các xã Xuân Ninh, Xuân Hoà; cụm ngành nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa tại các xã Xuân Hồng, Xuân Thành, Xuân Thượng, Xuân Châu. Huyện Vụ Bản có nhiều chính sách ưu tiên phát triển một số nghề có thế mạnh như dệt may, sản xuất gạch không nung, sản xuất đồ mộc mỹ nghệ. Huyện Nam Trực đẩy mạnh phát triển CN-TTCN trong làng nghề gắn với 3 ngành cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng. Trong đó, các huyện đều có chung quan điểm sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có đủ sức mạnh về tài chính, uy tín, vị thế trên thị trường làm đầu tư, tạo sức kéo cho các doanh nghiệp nhỏ cùng ngành trong làng nghề phát triển. Biện pháp này sẽ phần nào khắc phục từng bước tình trạng quy mô nhỏ và yếu kém về thương hiệu, uy tín, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp làng nghề. Các địa phương còn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị nỗ lực khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao để có điều kiện chủ động tìm kiếm thị trường, cũng như lựa chọn được đối tượng khách hàng của mình. Việc khẳng định bảo vệ giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làng nghề cũng được các địa phương khuyến khích thực hiện. Nhờ đó, rất nhiều sản phẩm đã được doanh nghiệp làng nghề tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyền, cấp bằng sở hữu trí tuệ và giảm bớt nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh từ các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Tiêu biểu như sản phẩm: bánh nhãn Hải Hậu, nước mắm Sa Châu, sản phẩm máy tuốt lúa của Cty TNHH Thanh Giang, sản phẩm máy bóc lạc của Cty TNHH Toản Chung, các sản phẩm cơ khí của Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên… Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền và các ngành chức năng, bản thân các doanh nghiệp trong làng nghề cũng đã chủ động vượt khó, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu cho mình. Hầu hết các doanh nghiệp làng nghề đều áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để tái đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ, máy móc. Điển hình như Cty TNHH Việt Thắng, doanh nghiệp tư nhân Quang Báo (Nam Trực); Cty TNHH gỗ mỹ nghệ cơ khí đúc xuất khẩu và xây dựng, Cty TNHH Vĩnh Oanh (Ý Yên); Cty TNHH chế tạo điện cơ Axuzu (Xuân Trường)… Nhiều doanh nghiệp làng nghề còn mạnh dạn liên kết thành Cty có đủ sức mạnh kinh tế như Cty Hiền Oanh và Công Trang (Yên Ninh, Ý Yên). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làng nghề còn tích cực tạo dựng uy tín sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình bằng cách thành lập ra các tổ chức CLB, hiệp hội ngành nghề. Tiêu biểu như Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ làng nghề Đồng Côi (Nam Trực), Hiệp hội làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Yên Ninh (Ý Yên)… Trong quá trình sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng đã bước đầu quan tâm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nhằm bảo đảm các sản phẩm được sản xuất trong các điều kiện kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường quy định. Nhiều đơn vị đã tích cực tham gia vào các dự án hỗ trợ bảo vệ môi trường trong sản xuất của các ban, ngành trong tỉnh. Một số doanh nghiệp còn chủ động đầu tư kinh phí, áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu tổn thất nguyên vật liệu, hạn chế chất thải và góp phần bảo vệ môi trường một cách hữu hiệu nhất.

Từ nay đến năm 2015, tỉnh ta phấn đấu đạt giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn nông thôn là 34.830 tỷ đồng, chiếm trên 55% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đạt mức tăng bình quân 25%/năm trở lên. Trong đó, có 80% số xã có giá trị sản xuất CN-TTCN từ 10% trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này, các ngành chức năng trong tỉnh đã có kế hoạch tiếp tục kêu gọi đầu tư vào khu, CCN đã được quy hoạch trên địa bàn nông thôn. Phát triển làng nghề theo hướng đa dạng các ngành nghề phù hợp với thị trường, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hoá một số công đoạn sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển làng nghề gắn với du lịch nhằm xuất khẩu sản phẩm làng nghề ngay tại chỗ và tạo cơ hội giới thiệu, quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh còn phối hợp thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp để phát triển CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn như: nhóm giải pháp quy hoạch, kế hoạch; nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; nhóm giải pháp về nguồn lực cho phát triển; nhóm giải pháp về môi trường; nhóm giải pháp về hành chính. Trong đó, các ngành sẽ đặc biệt quan tâm huy động vốn cho đầu tư phát triển CN-TTCN, làng nghề nông thôn bằng các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn của các thành phần kinh tế trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi… tạo điều kiện phát triển đa dạng về quy mô, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề trên địa bàn nông thôn. Triển khai các chương trình ứng dụng: xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 và đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Công nhận làng nghề, nghệ nhân, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, làng nghề được thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com