I. Nhiều khó khăn trong phát triển làng nghề
Trong những năm qua, hoạt động sản xuất CN-TTCN, làng nghề đã có bước phát triển, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn nông thôn tăng bình quân 23,2%/năm, năm 2010 đạt 4.692 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), gấp 2,85 lần so với năm 2005. Tuy nhiên, từ lâu nay, hoạt động sản xuất CN-TTCN, làng nghề đã luôn tồn tại nhiều điểm yếu và trong quá trình phát triển mới lại tiếp tục phát sinh thêm khó khăn.
Sản xuất động cơ điện, máy phát điện của Cty TNHH chế tạo điện cơ AXUZU (Xuân Trường). |
Tại huyện Xuân Trường, hầu hết tại các xã đều đã có làng nghề. Tuy nhiên, chỉ có 8 làng nghề có quy mô và tương đối phát triển thì các làng nghề còn lại hiệu quả kinh tế thực tế chưa tương xứng với tiềm năng. Theo đồng chí Ngô Doãn Thọ, Phó trưởng Phòng Công thương huyện cho biết: Những năm gần đây hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong làng nghề, thậm chí ở ngay trong 4 làng nghề đã đạt đủ tiêu chí như làng nghề cơ khí Xuân Tiến, làng nghề chế biến lâm sản và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Xuân Bắc, làng nghề vận tải Xuân Trung, làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa Xuân Hồng cũng không tạo thêm được bước tiến mới nào. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề của huyện Xuân Trường được khẳng định là còn bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào yêu cầu và sức mua trên thị trường. Có rất ít doanh nghiệp có khả năng tự chủ động về thị trường cũng như về chất lượng sản phẩm. Trong đó, làng nghề cơ khí Xuân Tiến được xác định là đơn vị điển hình nhất trong huyện, với một số sản phẩm có khả năng tạo sức mạnh thu hút nhu cầu của người tiêu dùng như máy tuốt lúa, máy trộn bê tông, nhưng đến nay cũng chỉ đang ở trong tình trạng ổn định, duy trì vị thế và có rất ít cơ hội phát triển mới. Sản phẩm máy tuốt lúa đang thực sự chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm cùng loại của một số cơ sở trong nước; sản phẩm máy trộn bê tông hiện đang tạm thời bị đình trệ do việc cắt giảm các công trình xây dựng chưa thiết yếu theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại huyện Vụ Bản, hiện có 6 làng nghề truyền thống như làng nghề cơ khí ở Quang Trung và Trung Thành; làng nghề mây tre đan ở Liên Minh và Vĩnh Hào; làng nghề dệt vải ở Thành Lợi; làng nghề thêu ren ở Minh Thuận. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ, hầu hết các địa phương trên toàn huyện đã tập trung và phát triển các ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dệt len, đan bẹ chuối xuất khẩu, may công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng... Tuy nhiên, toàn huyện mới chỉ có 38 doanh nghiệp, còn lại có trên 2.000 hộ tham gia hoạt động kinh doanh, sản xuất ở quy mô hộ cá thể. Tại những hộ cá thể này tồn tại rất nhiều khó khăn về vốn và tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Kinh tế chưa đủ mạnh, khiến hầu hết các hộ cá thể chỉ có khả năng đầu tư những thiết bị thô sơ hoặc nếu có đưa công nghệ vào thì phần nhiều chỉ ở mức công nghệ đã lạc hậu. Vì vậy, nhiều sản phẩm chưa tạo được sức cạnh tranh cao. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất còn nhiều hạn chế trong tìm kiếm, tiếp cận các đối tác lớn, có uy tín. Theo đồng chí Dương Văn Tự, Chủ tịch UBND xã Yên Xá (Ý Yên), tại xã có làng nghề cơ khí đúc Tống Xá nổi tiếng và đã phát triển rất mạnh. Có 95% số hộ trong xã đã tham gia sản xuất CN-TTCN, với 80 doanh nghiệp và gần 30 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Các đơn vị đều đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, vì vậy đã nhanh chóng khẳng định được thương hiệu, tiếp cận nhiều đối tác lớn. Tuy nhiên, do có quá nhiều đơn vị sản xuất chung trong một ngành nghề nên sự cạnh tranh không lành mạnh diễn ra rất gay gắt giữa các cơ sở, doanh nghiệp. Trên địa bàn xã đã có những doanh nghiệp tâm huyết, chung sức, chung lòng xây dựng nên một tổ chức sinh hoạt nghề tập thể là Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên nhằm hạn chế tối đa cạnh tranh, thống nhất chất lượng sản phẩm. Song vẫn còn nhiều đơn vị chưa tham gia sinh hoạt trong hiệp hội. Và trong số này, đã xuất hiện tình trạng vì lợi ích kinh tế cá nhân gây ra những tác động tiêu cực về giá và uy tín thương hiệu của đơn vị bạn... Những điểm khó khăn kể trên mà theo kết quả điều tra, khảo sát của Sở Công thương thì vẫn đang tồn tại ở hầu hết các làng nghề trong tỉnh. Hạn chế về nội lực nên các doanh nghiệp rất khó đầu tư mới, mở rộng sản xuất, khó tiếp cận bạn hàng lớn và càng khó phát triển quy mô. Đến năm 2010, trong tổng số 33.892 cơ sở sản xuất công nghiệp mới chỉ có 670 doanh nghiệp. Hơn nữa, dù các doanh nghiệp làng nghề đã tạo nên mức tăng trưởng trong giá trị sản xuất CN-TTCN, nhưng tỷ trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn. Ngoài ra, tại nhiều doanh nghiệp làng nghề đã tạo được bước phát triển lớn mạnh lại đang rơi vào tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất. Nguyên nhân chính là do các cơ sở sản xuất trong làng nghề phần lớn vẫn tồn tại xen kẽ trong khu dân cư. Mặt khác, ở một số địa phương dù đã quy hoạch diện tích hoặc vẫn còn khả năng về quỹ đất nhưng lại chưa tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng đất. Thêm vào đó, hoạt động sản xuất CN-TTCN của các làng nghề trước kia đều phát triển tự phát, không được quan tâm quản lý chặt chẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường còn phổ biến. Theo kết quả điều tra của ngành Công thương, chất thải rắn công nghiệp hầu hết tập trung ở các khu công nghiệp và các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Bình quân mỗi ngày riêng các khu, cụm công nghiệp đã thải ra khoảng 1.000 tấn chất thải rắn công nghiệp. Trên toàn tỉnh hiện mới có gần 500 cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại và đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải. Với những khó khăn, vướng mắc kể trên đã gây cản trở cho hoạt động sản xuất CN-TTCN của các làng nghề./.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy